Nghiêm trị đầu nậu ăn xin

Làm giàu dựa vào việc khai thác có tổ chức đối với hình ảnh thương tâm và sức lực của người ăn xin, như kiểu làm của một số đầu nậu ở tỉnh Thanh Hóa (Báo Người Lao Động ngày 22-7 phản ánh) còn tỏ ra vô nhân đạo, thể hiện tình trạng bệnh hoạn về nhân cách, đáng bị lên án mạnh mẽ.

Ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn chăn dắt người ăn xin là trách nhiệm của nhà chức trách, của cộng đồng. Đó không chỉ là trách nhiệm bảo vệ người yếu thế chống lại sự ức hiếp của kẻ vừa mạnh vừa tàn ác mà còn là trách nhiệm đối với sự phát triển xã hội bền vững, đối với nền văn minh.

Nạn nhân của các vụ chăn dắt thường đến với các đầu nậu không phải do bị cưỡng bức mà do không có sự lựa chọn nào khác để có thể sống. Không tiền bạc, không chốn nương thân và cũng không có khả năng tự bảo vệ khi bị hà hiếp, những con người yếu đuối ấy tự nhiên có xu hướng lệ thuộc vào sự che chắn của người khác để tồn tại. Dễ dàng chấp nhận phục tùng kẻ mạnh hơn mình, nếu không may mà ở nơi quy thuận chỉ gồm những phần tử có tâm địa xấu, tham lam, tàn ác thì sống trong khổ nhọc, đọa đày là điều khó tránh khỏi.

Có thể suy nghĩ, cân nhắc việc vận dụng kinh nghiệm của nhiều nước về giải quyết bài toán chăm sóc người yếu thế và cô đơn, không nơi nương tựa: Nhà chức trách dành một phần thu nhập quốc dân để lập một quỹ chuyên dùng cho việc cưu mang, bảo bọc những người này. Phần thu nhập này có thể có nguồn gốc đa dạng, đặc biệt là từ việc đánh thuế cao trên những sản phẩm, dịch vụ không được xã hội khuyến khích hoặc dành cho người có thu nhập cao, như thuốc lá, rượu bia, chăm sóc sắc đẹp. Bằng nguồn quỹ đó, các trung tâm bảo trợ công cộng được xây dựng để đón nhận những con người bất hạnh. Họ được hưởng sự chăm sóc tối thiểu về ăn, ở và khám chữa bệnh miễn phí. Những người có khả năng và có điều kiện chi trả sẽ được hưởng các dịch vụ tốt hơn tùy theo thỏa thuận; riêng trẻ em còn được học chữ, học nghề để có điều kiện tự lập thân, lập nghiệp về sau.

Vả lại, trong không ít trường hợp, người già và cả phụ nữ, trẻ em bị đẩy ra đường để rồi rơi vào nanh vuốt của bọn đầu nậu chăn dắt, vốn là những nạn nhân của các vụ lạm dụng, làm nhục, hành hạ, ngược đãi trong gia đình. Cần hoàn thiện khung pháp lý, nhất là quan tâm xây dựng lực lượng trấn áp có khả năng phản ứng thật nhanh và hữu hiệu để ngăn chặn, dập tắt những hành vi bạo hành mang tính chất nội bộ gia đình và xử lý thật nghiêm khắc những vụ vi phạm.

Mặt khác, cần khai thác và phát huy các khả năng hỗ trợ của cộng đồng, đặc biệt là của các hội, đoàn thể, tổ dân phố, tổ tự quản trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý những trường hợp cư xử tàn tệ đối với người già, phụ nữ và trẻ em. Có thể thừa nhận cho các thiết chế ấy quyền được chủ động tổ chức các hoạt động can thiệp tập thể có chừng mực mang tính phản ứng xã hội trong khuôn khổ pháp luật mỗi khi cần thiết để dập tắt ngay tại chỗ những hành vi bạo ngược đối với người sống lệ thuộc.

Theo NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm