Nghiên cứu đói nghèo đoạt giải Nobel

Công lao nghiên cứu và phân tích mối quan hệ giữa tiêu dùng, đói nghèo và phúc lợi của GS Angus Deaton đã nhận được giải Nobel Kinh tế năm 2015. Ngày 12-10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển công bố như trên.

Nhà kinh tế học Angus Deaton (69 tuổi) là người Mỹ gốc Anh. Ông sinh ra tại Edinburgh (Scotland), lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Cambridge (Anh) năm 1976 và từ năm 1983 giảng dạy tại ĐH Princeton (Mỹ).

Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển giải thích: “Để soạn thảo các chính sách kinh tế thúc đẩy phúc lợi và xóa đói giảm nghèo, đầu tiên chúng ta phải hiểu về sự lựa chọn của người tiêu dùng cá nhân. Hơn ai hết nhà nghiên cứu Angus Deaton đã mở rộng thêm cách hiểu này... Các công trình nghiên cứu của ông… đã làm chuyển biến các lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và kinh tế phát triển”.

Theo AFP, nhà kinh tế học Angus Deaton đã đặt ra ba vấn đề chủ yếu gồm: Người tiêu dùng phân bổ chi tiêu như thế nào, tiêu thụ và tiết kiệm trong xã hội được bao nhiêu, làm sao đo lường được phúc lợi của cá nhân.

Nhà kinh tế học Angus Deaton (ảnh nhỏ) nghiên cứu về quan hệ giữa tiêu dùng, đói nghèo và phúc lợi. Ảnh: AP

Từ năm 1980, ông đã phát triển một công cụ gọi là “hệ thống cầu gần như lý tưởng”. Tóm tắt như sau: Bạn có thể dự đoán nhu cầu dựa trên chi phí tương đối bỏ ra để đạt được mức sống hợp lý.

Công cụ này đã được giới trí thức và giới chính trị áp dụng.

Trong thập niên 1990, ông đã nghiên cứu các lối ứng xử về tiết kiệm, sau đó ông chứng minh cá nhân thích ứng tiêu dùng tùy theo thu nhập trong khi thu nhập cá nhân lại trồi sụt rất khác với thu nhập toàn xã hội.

Năm 2010, báo chí đã chú ý đến công trình nghiên cứu của ông cùng với nhà kinh tế Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế năm 2002) chứng minh tiền làm nên hạnh phúc nhưng thu nhập đừng quá 75.000 USD/năm.

Trong các công trình nghiên cứu gần đây, ông đã chứng minh làm thế nào các biện pháp hiệu quả của tiêu dùng cá nhân có thể được sử dụng để cải thiện mức độ hiểu biết về phát triển kinh tế.

Ví dụ ông đã chứng minh mối tương quan giữa thu nhập với số lượng calo tiêu thụ và tầm vóc của tình trạng phân biệt giới tính trong gia đình.

Ngày 12-10, khi được hỏi về vấn đề gai góc hiện nay đối với châu Âu là tình hình di cư của hàng trăm ngàn người, ông trả lời: “Điều chúng ta đang chứng kiến là hậu quả của hàng trăm năm phát triển mất cân đối đã làm một bộ phận thế giới phải phát triển chậm trễ về kinh tế-xã hội... Giảm đói nghèo sẽ giải quyết được vấn đề nhưng không phải trong ngắn hạn”.

Bill Gates là một trong những nhân vật giàu nhất thế giới đang dành tâm sức chống đói nghèo từng viết: “Nếu bạn muốn biết thêm lý do vì sao phúc lợi nhân loại lại tăng đến mức này, bạn nên đọc tác phẩm Sự mất mát lớn: Sức khỏe, giàu có và nguồn gốc bất bình đẳng”. Sách do nhà kinh tế học Angus Deaton viết, xuất bản năm 2013. Báo New York Times mô tả tác phẩm này đã chứng minh nhân loại gia tăng phúc lợi đáng kể trong hai thế kỷ rưỡi vừa qua nhưng song song theo đó là các vấn đề thu nhập bất bình đẳng ở các nước giàu, y tế ở Trung Quốc và Mỹ, HIV/AIDS ở châu Phi.

____________________________________

3 vấn đề chủ yếu đã được nhà kinh tế học Angus Deaton đặt ra gồm: Người tiêu dùng phân bổ chi tiêu như thế nào, bao nhiêu trong xã hội được tiêu thụ và tiết kiệm, làm sao đo lường được phúc lợi của cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm