Ngày 4-5 tại thủ đô Washington (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có cuộc họp đầu tiên với các bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN.
Reuters dẫn lời Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Patrick Murphy sau cuộc họp cho biết Ngoại trưởng Tillerson dù không nhắc đến Trung Quốc nhưng đã kêu gọi các bên tranh chấp biển Đông cần ngưng mọi hoạt động cải tạo hiện trạng và quân sự hóa vùng biển này. Việc này rất cần thiết trong quá trình các nước ASEAN và Trung Quốc đang thương lượng soạn thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Ông Murphy cho biết Mỹ sẽ khôi phục chiến dịch tuần tra biển Đông vốn được thực hiện thường xuyên thời Obama, tuy nhiên không nói rõ khi nào.
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh cam kết an ninh và kinh tế của Mỹ với khu vực. Cam kết này rất quan trọng trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại quanh chủ trương “Nước Mỹ đầu tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ưu tiên quyền lợi người dân Mỹ hơn nước ngoài.
Ông Murphy cho biết Ngoại trưởng Tillerson đã nhấn mạnh ASEAN vẫn là “đối tác chiến lược, rất quan trọng”. Bằng chứng cho lời nói này là các chuyến thăm Việt Nam và Philippines vào tháng 11 tới.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) cùng các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Mỹ ngày 4-5. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, Ngoại trưởng Tillerson còn đề nghị các nước ASEAN thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt Triều Tiên của LHQ, nỗ lực hơn nữa cô lập tài chính với các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Về thông tin Mỹ muốn ASEAN cắt quan hệ với Triều Tiên, ông Murphy cho biết Mỹ không khuyến khích các nước ASEAN làm điều này nhưng cần đánh giá lại mức độ cần thiết trong quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Trao đổi với báo chí sau cuộc gặp, một số quan chức ASEAN thừa nhận đến lo ngại từ Triều Tiên. “Quan tâm hiện tại của chúng tôi là cố gắng và đảm bảo để căng thẳng bán đảo Triều Tiên không tăng thêm. Xung đột là điều cuối cùng chúng tôi muốn nhìn thấy” - theo Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan bảo đảm các lệnh trừng phạt Triều Tiên của LHQ sẽ được thực hiện nghiêm túc. Ông Balakrishnan cho biết nước này chưa nghĩ đến việc cắt hay hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao không nêu tên cho biết áp lực của Mỹ đã dẫn tới một số phản ứng không thoải mái trong ASEAN. Trong đó có Malaysia, nước vẫn chọn duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên sau vụ ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị sát hại ở Malyasia hồi tháng 2.
Bên cạnh lo ngại về Triều Tiên, nhiều quan chức ASEAN cũng đề cập lo ngại về quan hệ thương mại với Mỹ, đặc biệt sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).