Hôm 24-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga và Iran phản đối những động thái của Mỹ nhằm tái áp đặt lệnh trừng phạt với chính quyền Tehran. Ông Lavrov cũng tuyên bố rằng Nga sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran bất chấp lời đe doạ trừng phạt của Mỹ, hãng tin Sputnik cho biết.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến Moscow hôm 24-9 để thảo luận về quan hệ song phương, thỏa thuận hạt nhân và các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Bất chấp lời đe doạ trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia nào hợp tác kinh tế với Iran, trong cuộc hội đàm với ông Zarif, ông Lavor nhấn mạnh Moscow sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư chung lớn với Tehran.
Ông còn khẳng định ưu tiên hợp tác của hai bên là trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, Nga và Iran cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP
Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cũng xác nhận rằng Ủy ban hợp tác kinh tế và thương mại Nga-Iran sẽ nhóm họp tại Nga vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng cho rằng việc Mỹ tìm mọi cách chống lại ý chí của cộng đồng quốc tế để cấm vận Iran sẽ không có khả năng thành công nào.
Phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào hôm 20-8 rằng "hầu như tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã được áp đặt trở lại đối với Iran", bao gồm "việc gia hạn vĩnh viễn lệnh cấm vận vũ khí". Washington còn đe doạ trừng phạt bất kỳ quốc gia nào chống lại lệnh cấm và tiếp tục làm ăn với quốc gia Hồi giáo này.
Bên cạnh Nga và Iran, châu Âu cũng đã lên tiếng phản đối việc Mỹ nỗ lực tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran. Theo Spunik, việc Washington cố gắng khôi phục trừng phạt đối với Iran đã khiến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có dấu hiệu rạn nứt.
Hôm 20-9, Trưởng cơ quan đối ngoại của EU - ông Josep Borrell đã thông báo bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc khôi phục lệnh trừng phạt với Iran. Ông còn nhấn mạnh rằng Washington không có quyền đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran trên cơ sở thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi.
Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell. Ảnh: AFP
Vào tháng 5-2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran - thoả thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết vào năm 2015.
Bên cạnh việc rút khỏi thoả thuận, Washington còn trừng phạt Tehran về lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và đe doạ trừng phạt đối với những nước tiếp tục làm ăn với Iran vì Mỹ cho rằng Iran vi phạm thoả thuận trên.
Đầu năm nay, Washington đã bắt đầu tìm cách gia hạn vĩnh viễn lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran vì lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 sắp tới.
Trước đó, vào hôm 21-9, một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết việc LHQ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không chỉ khiến Iran có thể mua vũ khí nước ngoài mà còn cho phép nước này bán vũ khí cho thế giới.
Chỉ huy này cũng thông tin rằng trong những năm gần đây, Iran đã đạt được những bước tiến lớn trong việc chế tạo các thiết bị quân sự tiên tiến như chế tạo hàng loạt tên lửa, máy bay không người lái và hệ thống phòng thủ phòng không. Hệ thống này đã bắn hạ một máy bay trinh thám không người lái của Mỹ trị giá 220 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng) trên không phận của Iran tại eo biển Hormuz hồi năm ngoái.