Ngưng việc tập thể bùng phát do bức xúc về tiền lương

Đây là ý kiến trao đổi của ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại tọa đàm về “Tiền lương, thu nhập, điều chỉnh lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và đời sống của người lao động”, do LĐLĐ TP.HCM tổ chức ngày 26-4.

Ông Sang đánh giá khi Nghị định 122 về lương tối thiểu vùng năm 2016 có hiệu lực, thay vì điều chỉnh tăng lương cho người cho người lao động, các doanh nghiệp đã ngắt phụ cấp để đưa vào lương.

Người lao động không hài lòng với cách điều chỉnh này. Do đó, đầu năm đến nay đã xảy ra 50 vụ ngưng việc tập thể liên quan đến tiền lương, BHXH. Các vụ việc này xảy ra tập trung nhiều nhất là khu vực Đông Nam Bộ.

LĐLĐ TP.HCM cho hay quá trình kiểm tra 19 doanh nghiệp về điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 cho thấy số doanh nghiệp điều chỉnh lương cho người lao động còn ít.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp cắt giảm phụ cấp để chuyển sang lương đã gây bất bình, làm bùng phát các vụ ngưng việc tập thể.

Ông Phạm Duy Bắc, cán bộ Công đoàn KCX-KCN TP.HCM cho biết  các DN xây dựng hai thang bảng lương khác nhau, trong đó cái người lao động ký thấp hơn bản đăng ký với cơ quan chức năng. Ảnh: P.ĐIỀN

Cụ thể có 12/19 doanh nghiệp không áp dụng phụ cấp lương cho người lao động; 7/19 doanh nghiệp có áp dụng phụ cấp lương bằng tên gọi phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, chuyên cần, phụ cấp ăn ca… 13/19 doanh nghiệp không áp dụng các khoản bổ sung ngoài lương cho người lao động; 6/19 doanh nghiệp có áp dụng các khoản bổ sung với tên gọi thưởng năng suất, tiền ăn ca, điện thoại, xăng xe…

Đại diện LĐLĐ các quận, huyện đánh giá thay vì áp dụng các khoản bổ sung, các công ty xây dựng quy chế khắt khe hơn để siết các khoản tiền phụ cấp bằng cách bắt các lỗi vi phạm của người lao động để hạn chế khoản thu nhập này.

Đơn cử trước đây công nhân trễ giờ hai buổi không được nhận tiền chuyên cần, nay ép xuống một buổi. Điều này khiến công nhân dễ bị bắt lỗi, đồng thời tạo áp lực đối người lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm