“Một đoàn thanh tra lại để xảy ra tình huống như thế rất đáng tiếc. Tất cả như bản năng để sai phạm, khi anh cứ có quyền liên quan đến tài sản hoặc có cơ sở dọa dẫm người khác là lập tức đặt vấn đề đó ra. Cho nên tôi thấy đây là điều nghi ngại” - ĐB Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trao đổi với báo chí như trên bên hành lang Quốc hội xung quan vụ việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản vì có dấu hiệu vòi vĩnh khi thanh tra về xây dựng cơ bản tại huyện Vĩnh Tường.
ĐB Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc vi phạm của Thanh tra Bộ Xây dựng trong lúc Quốc hội đang diễn ra là khó chấp nhận.
. PV: Ông bình luận gì trước thông tin cả đoàn thanh tra 26 người của Bộ Xây dựng hiện đang bị công an tỉnh Vĩnh Phúc tạm giữ vì có dấu hiệu “vòi tiền” ?
+ ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Câu chuyện các cơ quan có cán bộ công chức được giao quyền thanh tra, điều tra có một số phần tử thoái hóa biến chất lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí, quyền lực để kiếm chác là một câu không xa lạ.
Tôi nói sự nghi ngại của mình ở trên là vì những vụ việc thanh tra tống tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm những việc như thế đã xảy ra ở trong Nam, Thanh Hóa giờ tiếp tục ở đây (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), có nghĩa rằng những cán bộ này không rút kinh nghiệm. Họ là những cán bộ xấu, thậm chí là cứng đầu. Tôi cho rằng đây là tình tiết nặng hơn so với những trường hợp mà chúng ta đã phát hiện.
Tôi có cảm giác cảnh này phổ biến, nhưng vụ việc này còn trầm trọng hơn khi các cán bộ không rút kinh nghiệm. Đã từng có những vụ việc khiến cán bộ bị bắt rồi (tám cán bộ ở Thanh Hóa). Đặc biệt khi Quốc hội đang họp, Hội nghị Trung ương vừa họp xong… chứng tỏ những cán bộ có hành vi tiêu cực rất coi thường.
.Phải chăng họ đã làm những việc này quen tay? Ông có cho rằng do cơ chế, luật pháp của chúng ta có những kẽ hở để những cán bộ có điều kiện thực thi thi công vụ lợi dụng trục lợi?
+ Xét dưới góc độ xã hội, nhìn vào những con người này cảm giác dần dần mất đi niềm tin. Không chỉ là cán bộ này mà còn là những cán bộ khác, không chỉ Thanh tra Xây dựng mà còn có khả năng thanh tra khác nữa thì sao?. Thậm chí cả những cán bộ lãnh đạo của các cơ quan hành chính, tư pháp thì sao?. Có đấy. Tôi cho rằng, đây là cái rất đáng lên án.
Cơ chế không tạo cơ hội cho họ vi phạm, cơ chế chỉ họ quyền lực và cơ chế có những van khóa để siết họ trong vòng cương tỏa của pháp luật. Nhưng cơ chế kiểm soát hàng ngày đối với họ rất khó.
Ví dụ, rất khó để ông thanh tra đi đâu thì ông thủ trưởng đi đấy hay ông thanh tra đi đâu thì dân phải đi theo. Cho nên cái kiểm soát chính là những người dân trực tiếp làm việc với đội ngũ này. Nhưng họ là đối tượng bị thanh tra, số phận, sinh mệnh họ trong tay ông thanh tra. Nên nhiều khi họ bắt buộc phải thực hiện những việc mà họ không mong muốn. Thậm chí có khi họ phải làm sai.
.Trưởng đoàn thanh tra vốn là Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng), ông bình luận như thế nào về việc này? Theo ông trách nhiệm của trưởng đoàn trong vụ việc này đến đâu?
+ Người đứng đầu không thể không không chịu trách nhiệm, nhưng không thể nói họ là đồng phạm của vụ việc này được. Trách nhiệm của người đứng đầu ở chỗ họ là người quản lý nhưng không có những căn dặn, không có những quán triệt, xử lý… thành ra nhân viên nhờn.
Cán bộ thanh tra trước hết phải liêm chính thì anh mới có thể lãnh đạo anh em được. Ở đây liên quan đến công tác cán bộ. Người chống tham nhũng mà đi tham nhũng là điều nực cười, rất khó để người ta chấp nhận.
. Xin cám ơn ông.