Người dân Hậu Giang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số

(PLO)- Hiện, hầu hết cán bộ công chức và người dân Hậu Giang đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị hưởng ứng ngày Chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở TT&TT cho biết Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương chuyển đổi số và gặt hái được một số kết quả.

hau-giang-1.jpg
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang cho biết thời gian qua công tác chuyển đổi số ở địa phương đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Ảnh: MỸ XUYÊN

Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 600 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực trên địa bàn. Hiện, hầu hết cán bộ công chức và người dân Hậu Giang cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Từ đó, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...

Về hạ tầng công nghệ thông tin, Hậu Giang hiện có trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC... Cạnh đó, nhiều nền tảng số đã hoạt động hiệu quả, như: ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy...

Ngoài ra, kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành, cụ thể, tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ quản trị, sản xuất và kinh doanh.

“Hậu Giang đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh với khoảng 28,5ha, đặt tại xã Vị Tân (TP Vị Thanh). Bước đầu đã có bốn doanh nghiệp đăng ký, hiện đang triển khai xây dựng. Sắp tới, lãnh đạo tỉnh sẽ có buổi gặp gỡ khoảng 20 doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và một số nước tại TP.HCM” - bà Ánh thông tin thêm.

hau-giang.jpg
Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị hưởng ứng ngày Chuyển đổi số. Ảnh: MỸ XUYÊN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại, như: tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến còn chưa thực chất, hiệu quả, bền vững, chủ yếu là do cán bộ nộp thay người dân tại Bộ phận Một cửa.

Một hạn chế nữa là tỉ lệ giao dịch hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt quá thấp; việc tái cấu trúc quy trình và số hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính còn hạn chế. Mặt khác, công tác tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các ngành còn chậm.

Hậu Giang duy trì được thứ hạng 17/63 tỉnh, TP về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh DTI.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm