Buổi sáng, đường Lê Duẩn lác đác những cánh hoa màu vàng li ti. Từ đằng xa, một người đàn ông trung niên ngồi trên chiếc xe lăn cũ đang khó nhọc tiến về phía trước. Đến đoạn trước cổng Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM, anh cẩn thận rải xuống lề đường một đống lúa nhỏ. Chiếc kẹp sắt được gõ vào mặt bàn làm vang lên âm thanh “cạch, cạch, cạch”. Như một thói quen, hàng trăm con chim sẻ từ nóc tòa nhà vội bay sà xuống mặt đất…
Nửa đời người đơn độc
Đều đặn mỗi ngày khi mặt trời ló dạng là chiếc xe lăn quen thuộc của anh Nguyễn Hoàng Bình (sinh năm 1976) đã án ngữ bên một góc đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) rồi bầu bạn với chim.
Quê anh Bình vốn ở miền Tây. Cha mẹ chia tay rồi bỏ đi tìm hạnh phúc mới khi anh vài tháng tuổi. Thương cháu đói cơm khát sữa, người cô ruột đã đem anh về Sài Gòn nuôi dưỡng.
Anh Nguyễn Hoàng Bình và đàn chim sẻ đang mổ lúa trên con đường Lê Duẩn đầy hoa. Ảnh: H.TRÂM
Đến Sài Gòn, tuổi thơ thiếu tình thương của anh Bình gắn liền với một con hẻm nghèo. Tính anh lầm lũi, ít nói, bao nhiêu tâm sự đều giữ trong lòng. Cảnh nhà cô ruột thiếu trước hụt sau khiến anh phải sớm vào đời bươn chải. Đánh giày, giữ xe, bán báo… anh Bình đều không nề hà, miễn là nghề lương thiện.
Không may năm 15 tuổi anh bị tai nạn giao thông trong một lần băng qua đường bán báo. Di chứng của chấn thương sọ não khiến nửa thân người dưới của anh bị liệt. Cuộc đời anh từ đấy bước vào những ngày tháng u buồn nhất.
Khoảng thời gian này anh Bình bi lụy và không tìm được ý nghĩa của cuộc đời. Những giằng xé, đau khổ chiếm ngự khắp tâm can và thể xác người thanh niên này. Sau những đấu tranh nội tâm, anh suy nghĩ: “Ông trời đã giữ lại cái mạng này để mình được sống đó là may mắn. Chết hụt một lần, mình phải trân trọng bản thân và sống cho thật tốt”.
Xuất viện, chiếc xe lăn trở thành đôi chân của anh. Không muốn trở thành gánh nặng cho người cô già yếu, anh Bình chọn nghề bán vé số để nuôi thân. Đã gần 20 năm anh gắn bó với cái nghề và góc đường Lê Duẩn này.
Sau những biến cố, người đàn ông sống cô độc nay lại càng khép kín và thầm lặng hơn trước. Gần bước sang tuổi tứ tuần, anh Bình vẫn đi về lẻ bóng. Cuộc đời anh như chuỗi dài những thanh âm trầm mặc, u buồn…
Tìm niềm vui nơi đàn chim trời
Tiếng chim sẻ kêu ríu rít làm anh ngừng đôi dòng hồi tưởng về quá khứ. Nhìn những con chim nhỏ đang mải mê mổ lúa, anh cười chia sẻ: “Ngày trước, góc đường này có một bà lão bán vé số. Bà hay mang lúa cho tụi chim sẻ này lắm. Một thời gian, tôi không thấy bà xuất hiện nữa. Từ ngày vắng bà, lũ chim không buồn hót. Tôi thấy buồn và thương nên mang lúa cho ăn”.
Những ngày đầu, một số người cười nhạo anh. Họ cho rằng họa chăng chỉ có người không bình thường mới đi nuôi “chim trời, cá nước”. Anh chẳng mảy may bận tâm.
Với anh, lũ chim sẻ nhỏ này như là tri kỷ. Những lúc buồn anh hay ngước mắt nhìn lên mái nhà dõi theo chúng. Lũ chim nhảy nhót, hót ca ríu rít làm anh cảm thấy cuộc đời thật an nhiên, nhẹ nhàng. Bao nhiêu tâm sự, tủi phận như được rửa trôi đi hết. Lắm lúc một con sẻ dạn dĩ bay đến đậu trên xe lăn của anh. Khi ấy khoảng cách giữa người và chim thật gần.
Được biết từ chỉ vài chục, đàn chim sẻ nay đã lên đến hàng trăm con. Hằng ngày chúng hót líu lo làm vui tai những người tản bộ trên cung đường này.
Anh cười hiền: “Tụi nó ăn nhiều lắm cô à. Thường một ngày tôi bán kiếm được 100.000 đồng thì phải mua hết 20.000 đồng lúa cho tụi nó ăn. Nó mà đói là kêu om sòm, thấy ghét lắm”.
Thu nhập không nhiều, phận mình tàn tật nhưng anh vẫn sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” để mua lúa nuôi đàn chim.
Việc anh rải lúa trên đường đôi khi cũng gặp sự phàn nàn của công nhân vệ sinh. Những lúc ấy anh chỉ cười rồi lẳng lặng gom lại thành đống. Những ngày sau, anh lưu ý rải lúa xuống đường gọn gàng. Nếu chim ăn không hết, anh gom lại mang về.
Nhân sinh quan của người đàn ông này thật đẹp biết bao. Anh cười nói: “Xét cho cùng ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người khổ cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ”.
Tin chắc rằng với anh, lũ chim sẻ chính là cái vui trong cái khổ mà anh cần tìm. Và tiếng chim ríu rít kia chính là những nốt bổng xen kẽ vào chuỗi trầm buồn để tạo nên một bản nhạc đời thật du dương, ý nghĩa…