Ngày 7-7, các hệ thống phân phối hiện đại cho biết lượng khách đến siêu thị mua sắm tăng đột biến. Siêu thị phải giới hạn người vào mua sắm và nhiều lần tạm thời không đón khách.
Đại diện siêu thị Aeon Tân Phú cho biết, từ sáng ngày 7-7, siêu thị giới hạn 100 khách hàng vào mua sắm trong cùng một thời điểm, 50 khách hàng/lượt vào theo hướng dẫn của siêu thị.
Khách hàng chờ tới lượt được yêu cầu xếp hàng, tuân thủ giãn cách. Ngoài ra phía trong siêu thị cũng sắp xếp chỗ ngồi để khách hàng chờ. Siêu thị cũng yêu cầu khách khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào và thực hiện đúng 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó ngày 6-7, các siêu thị Aeon cũng ghi nhận lượng khách hàng trong khung giờ từ 16h tăng gấp đôi so với buổi sáng. Trong một số khung giờ, số lượng đơn hàng qua các kênh mua sắm khác như mua hàng qua điện thoại, trang AeonEshop, ứng dụng Grabmart, Now đều quá tải. Siêu thị phải tạm thời phân bổ lại thời gian tiếp nhận và chuẩn bị đơn cho khách hàng.
Đại diện siêu thị cho biết luôn làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, duy trì ổn định lượng hàng và giá cả.
Theo đại diện Saigon Co.op, từ trưa 6-7 đến ngày 7-7 lượng khách dồn tới các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và lượng đơn đặt hàng online cũng tăng gấp năm lần.
Trong khi đó, đại diện siêu thị Emart cho biết lượng khách đến mua sắm tại Emart trong sáng hôm nay tăng gấp đôi bình thường. “Dù lượng khách đông nhưng hàng hóa liên tục được đặt đầy đủ trên kệ hàng” - đại diện Emart nói.
Sở Công Thương TP cho biết hiện nay tại TP.HCM có 2.833 điểm bán gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi tại các quận, người dân cũng có thể mua qua ứng dụng trực tuyến, hotline, grab, now...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, Sở đã làm việc với DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại để bổ sung, gia tăng hàng hóa phục vụ cho người dân. Hàng ngày, DN cung cấp cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi 2.000 tấn lương thực thực phẩm và rau củ quả.
Những ngày gần đây, do người dân đổ xô đi mua sắm hàng nên tạo ra sự thiếu hụt cục bộ. Sở đã làm việc với các chuỗi siêu thị tăng nguồn hàng để cung cấp kịp thời, đồng thời kéo dài thời gian mở cửa để thuận lợi hơn cho người dân.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cùng các quận huyện thống nhất hỗ trợ những kênh bán hàng online, kênh đi chợ thay cho người già lớn tuổi bằng tình nguyện viên của hội phụ nữ, đoàn thanh niên" - ông Vũ thông tin.
Ông Vũ mong bà con tiêu dùng một cách khoa học, an toàn góp phần cùng TP chống dịch tốt. Nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM tương đối dồi dào, kênh phân phối đang trải rộng để phục vụ người dân trong bất cứ tình huống nào. Người dân không lo lắng về sự thiếu hụt hàng hóa trong tất cả tình huống phòng chống dịch.
Một số hình ảnh ghi nhận tại các siêu thị chiều 7-7:
Khách hàng ngồi chờ tại Aeon Tân Phú để đến lượt mua sắm.
Nguồn cung dự trữ hàng hóa tại siêu thị dồi dào.
Người dân xếp hàng dài trước cổng chính siêu thị Big C Miền Đông
Hàng dài người xếp hàng từ cổng giữ xe để vào Co.opmart Lý Thường Kiệt
9 giờ sáng, dòng người xếp hàng tại cửa hàng Vissan trên đường Hoàng Sa, quận Tân Bình
Cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng trong tình trạng tương tự.
Người dân khai báo y tế tại một cửa hàng Co.opFood và chờ điều tiết khách bên trong mới được vào
Người dân điền thông tin cá nhân vào thẻ đi chợ để vào chợ Nguyễn Tri Phương
Cứ năm phút sẽ có ba người dân được vào chợ