Ngày 11-8, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết Chính phủ Việt Nam và Malaysia vừa đã ký kết lại bản Ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động.
Theo đó, hợp đồng mẫu quy định tại Bản ghi nhớ nêu rõ người lao động có quyền được giữ hộ chiếu và các giấy tờ cá nhân. Đây là những cơ sở quan trọng giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia.
Với việc ký Bản ghi nhớ lần này, Việt Nam có quyền được trao đổi các thông tin về pháp luật và chính sách của hai nước liên quan đến vấn đề lao động và việc làm; được đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia phù hợp với các điều kiện tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của luật pháp Malaysia. Bên cạnh đó, phía Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia theo các hình thức được quy định tại bản ghi nhớ; thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, trong lãnh thổ của mình, để phòng ngừa và ngăn chặn vượt biên bất hợp pháp, nạn buôn bán người và tuyển dụng lao động nước ngoài trái pháp luật.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam đã đưa được trên 220.000 lao động sang làm việc tại thị trường lao động này, góp phần giảm sức ép giải quyết việc làm hàng năm ở trong nước, giúp xoá đói giảm nghèo cho người lao động tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng người lao động sang Malaysia có phần giảm sút nhiều. Nguyên nhân do Việt Nam đã mở thêm được một số thị trường lao động mới; sức hấp dẫn về tiền lương, thu nhập của người lao động tại thị trường này không còn như trước, cơ chế quản lý giám sát đối với lao động nước ngoài còn hạn chế dẫn đến vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng.