Người mua xe máy điện, xe đạp điện 'nhiều không' có được trả lại hàng?

(PLO)- Nhiều ý kiến thắc mắc nếu mua xe máy điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ có được trả lại sản phẩm và yêu cầu bồi thường từ phía người bán hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 14 và 15-12-2023, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã phối hợp với 12 Cục quản lý thị trường địa phương kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện được giới thiệu trên các website hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn (xem chi tiết tại đây).

xe máy điện
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chuỗi kinh doanh xe điện Hamachi tại An Giang. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Vụ việc này liên quan đến nhiều người sử dụng các dòng xe máy điện, xe đạp điện của hãng. Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có được trả lại sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay không?

Trao đổi với PLO, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Đối với cửa hàng xe Hamachi (website hamachi.vn): Qua kiểm tra, xác minh của lực lượng chức năng cho thấy có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ nhiều xe chưa cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đối với cửa hàng Thế giới xe chạy điện (website thegioixechaydien.com.vn): Kết quả kiểm tra cho thấy trên nhãn hàng hóa và giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại dùng cho xe mô tô, xe gắn máy do Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận thể hiện là xe máy điện hai bánh. Tuy vậy, các sản phẩm tại đây đều có gắn bàn đạp và bảng thông tin gắn trên từng xe lại thể hiện là "xe đạp điện", được cơ quan chức năng nhận định đây có thể là một trong những chiêu trò của nhà sản xuất với khách hàng.

"Kết quả thống kê gần 300 chiếc xe đạp điện, xe máy điện không thực hiện niêm yết giá, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ... đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ"- luật sư cho cho hay.

Theo luật sư Võ Đan Mạch, quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác minh về việc xe đạp điện, máy điện không thực hiện niêm yết giá, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, chưa xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Kết quả xác minh sẽ có 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Xử phạt vi phạm hành chính

Khoản 13 Điều 17 Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng quy định hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt hành chính, với hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật.

"Như vậy, nếu qua xác minh xác định có hành vi phạm hành chính thì các xe đạp điện, xe máy điện có thể bị tịch thu"- luật sư Mạch cho hay.

Trường hợp 2

Cũng theo luật sư, nếu qua xác minh xác định những chiếc xe có liên quan đến tội phạm và/hoặc là kết quả của việc thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan chức năng sẽ tạm giữ toàn bộ để phục vụ cho quá trình xác minh, điều tra, giải quyết, giám định. Cạnh đó, căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các xe máy điện, xe đạp điện mà cửa hàng đã bán cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước có thể sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, bị tịch thu tiêu hủy.

Xét thấy, ngay sau khi kiểm tra đồng loạt trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và đang tạm giữ gần 300 chiếc xe đạp điện, xe máy điện không thực hiện niêm yết giá, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Chưa có thông tin xác minh hành vi vi phạm cụ thể của các cửa hàng.

"Do đó, trong vụ việc này, các khách hàng đã mua xe sẽ được trả lại xe. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trước hết khách hàng cần chuẩn bị, thu thập các tài liệu, chứng cứ như hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền mua xe, thông tin của bên bán xe.

Sau đó liên hệ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin, yêu cầu xem xét, giải quyết theo hướng buộc bên bán trả lại số tiền mà khách hàng đã chi trả để mua xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh"- luật sư Mạch nhấn mạnh.

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cũng cho biết người dùng nên trả lại sản phẩm và đòi quyền lợi cho mình. Đồng thời nên đề nghị bồi thường cho người mua sản phẩm và xử phạt thật mạnh đã răn đe các hành vi buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ như vậy.

"Tôi nghĩ trong trường hợp này mỗi chiếc xe có giá trị không cao, nhưng cơ quan chức năng nên xử phạt mạnh tay để không còn các trường hợp tương tự xảy ra nữa"- ông Đồng nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm