Nuôi hay bán đều khổ
Chỉ hơn một tháng trước các chủ trại heo ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất hay Xuân Lộc mừng thầm vì sau Tết giá heo xuất chuồng vẫn ổn định 50.000-55.000 đồng/kg. Nhưng giờ đây họ lo sốt vó vì ảnh hưởng của bệnh dịch khiến heo không bán được, giá rớt. Hiện nay giá heo hơi tại Đồng Nai chỉ còn 40.000-42.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với vài tuần trước.
Ông Nguyễn Tuấn, chủ trại heo khoảng 1.000 con heo thịt tại huyện Xuân Lộc, cho biết tại trại heo của ông, heo đã đến tuổi xuất chuồng nhưng vì giá heo giảm nên ông vẫn đang “ôm” đàn heo. “Bây giờ bán cũng khổ mà không bán cũng khổ. Bán thì giá rớt gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm chưa có dịch, còn nếu không bán thì mỗi ngày tốn vài triệu đồng tiền thức ăn mà không biết khi nào hết dịch bệnh để giá bán sẽ tăng” - ông Tuấn than thở.
Khi dịch bệnh xảy ra, không chỉ giá heo tụt thê thảm, việc xuất chuồng gặp nhiều khó khăn mà còn kéo theo những chi phí khác. Ông Trần Quang Trung, chủ trại có khoảng 200 con heo nái và 1.000 con heo thịt ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), cho biết ngay khi biết được thông tin có địa phương trong nước bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, trại heo của ông đã thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, phun xịt vôi sát khuẩn, giảm mật độ đàn, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào trại.
“Việc đầu tư các biện pháp phòng dịch khiến chi phí đầu tư tăng khoảng 10%-15% so với trước đây. Trong đó, tôi ưu tiên sử dụng thức ăn nhiều dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho đàn heo và vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Tính ra hàng ngàn con heo thì số tiền chi phí cũng không hề nhỏ” - ông Trung nói thêm.
Chủ trại heo ở Đồng Nai rải vôi bột vệ sinh chuồng trại. Ảnh: V.HỘI
Chống dịch trên nhiều “mặt trận”
Trước tình trạng dịch heo châu Phi đang đe dọa “thủ phủ” chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các sở, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. “Tình trạng này kéo dài có nguy cơ giá heo sẽ rớt xuống mức cần “giải cứu”, các địa phương nên khuyến khích người chăn nuôi giảm đàn trong giai đoạn hiện nay” - Bí thư tỉnh Đồng Nai lo lắng.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện nay Đồng Nai chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi. “Thời gian tới, lực lượng thú y trong tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tháng vệ sinh sát trùng tiêu độc, hạn chế tối đa các mầm bệnh có thể có trong môi trường” - ông Quang cho biết thêm.
Theo ông Phạm Văn Thuận, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với trên 600.000 con, khẳng định: “Địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ chăn nuôi, nhất là về việc áp dụng các phương pháp an toàn sinh học. Địa phương cũng cho khảo sát lại các đối tượng thương lái heo để kiểm soát được nguồn heo ngoại tỉnh về địa phương; kiên quyết dẹp các điểm bán thịt heo vỉa hè, giết mổ lậu…”.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường nhận thấy với tổng đàn lớn như Đồng Nai, nếu xảy ra dịch tả heo châu Phi thì thiệt hại rất lớn. “Chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ cho 1 triệu con heo bị bệnh cũng đã mất cả 1.000 tỉ đồng, vượt rất nhiều lần nguồn dự phòng khi xảy ra dịch của Đồng Nai... Vì dịch bùng phát nhanh, cần cấp bách thành lập ngay ban chỉ đạo phòng dịch tả heo châu Phi từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch” - ông Cường nhấn mạnh.