Con đường lịch đó có thể bắt đầu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, gần báo Sài Gòn Giải Phóng. Nơi đó có một phố sách cũ, văn phòng phẩm và đến mùa lại tràn ngập những cuốn lịch màu, lịch bloc rực rỡ. Sau đó là con đường Lê Lợi (quận 1) với một chuỗi nhà sách, với thật nhiều tờ lịch, tập lịch sắc màu. Còn trên hè, lịch bỏ túi, lịch sổ be bé bày chung với thiệp trên những khay, mẹt... tràn ngập. Xa hơn là nhà sách Fahasa ở đường Nguyễn Huệ, nơi có đủ loại lịch.
Khi đó căn nhà của người Sài Gòn năm nào xuân về, tết đến cũng có treo một tờ lịch. Người đi làm nào cũng có một cuốn lịch sổ tay trong túi, lịch nhỏ dạng như danh thiếp trong bóp/ví để xem ngày, để ghi chú. Còn lịch để bàn thì dành cho dân mua bán, lịch sổ agenda cho giới văn phòng.
Thực ra còn một con đường lịch nữa ở phố bán theo mùa Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) nhưng người Sài Gòn không chuộng vì lịch nơi ấy sắc màu thường đỏ, vàng ánh nhũ, trông sặc sỡ quá.
Đa số người Sài Gòn thích lịch nhã nhặn. Từng có những món quà quý là những tờ lịch ngoại mà đa số các gia đình thích, thích tới mức qua năm vẫn lưu giữ lại, thỉnh thoảng lại giở ra xem hay làm tranh dán tường. Đó là những tờ lịch phong cảnh nước Nhật với các cô gái Nhật nhu nhã, dịu dàng trong tà áo kimono với phía sau là vườn đá, vườn cây cảnh, hoa đào, mùa thu... Sau đó mới là lịch phong cảnh đồng quê phương Tây êm đềm với cánh đồng cỏ hoa vàng, lúa mì, cối xay gió, nhà ngói tường gạch đỏ.
Những tờ lịch ấy luôn được trân trọng treo nơi phòng khách như một gu thưởng thức văn hóa lịch lãm của gia chủ.
Từng có một thời người ta quý nhau biếu nhau những tờ lịch đẹp, bên trong là hình phong cảnh hay những hình mang ý nghĩa may mắn. Và tối kỵ chuyện tặng nhau những lịch có hình ảnh hở hang, trừ phi mang ý nghĩa đen tối chi đó. Những tấm lịch đẹp chủ nhân luôn treo trong phòng khách, ai đến cũng giới thiệu người tặng. Còn loại lịch hở hang kia chỉ dám treo trong phòng ngủ hay cất cuốn đâu đó, lâu lâu lén lôi ra dòm.
Cũng từng có một thời lịch là món hàng kinh doanh béo bở. Vì lịch tờ thường dùng để treo, còn lịch bloc là để xài. Cái thời giấy quý hiếm, tờ lịch gỡ ra còn có thể dùng ghi chép, gói, làm bao dán, giấy vấn thuốc, thậm chí cầm máu, chữa giời leo.
Các nhà kinh doanh thi nhau dành thị phần lịch bloc. Còn khách hàng già trẻ, lớn bé thì trong nhà đều phải có cái lịch bloc treo ở nhà bếp hay phòng ăn, trên cái lịch ấy có ngày giờ âm, có xuân hạ thu đông, có danh ngôn, lễ vía, thậm chí có cả kinh dịch, bói quẻ, sao hạn, kiêng cữ, ngày tốt ngày xấu…
Rồi theo dòng thời gian, bạo phát bạo tàn, con người xa dần với thú vui văn hóa lịch. Cuộc sống bận rộn khiến người ta phải nhanh hơn, gấp gáp hơn. Không chỉ lịch tờ, lịch bloc cũng rơi cùng số phận. Cũng năm mới dọn nhà, treo tấm lịch lên. Rồi chộn rộn vào muôn việc có tên và không tên, cái bloc lịch dòm lại vẫn còn dày ứ vì nhà không ai rảnh để xem lịch và gỡ. Coi ngày giờ tháng năm, ghi chép ư đã có cái điện thoại. Tra cứu tử vi, động thổ, sao hạn đã có Internet.
Cũng may là hai năm gần đây, cứ vào mùa cuối năm, con đường sách mang tên vị Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình lại biến thành con đường lịch. Các nhà sản xuất lịch với tình yêu về một nền văn hóa thưởng lãm đã cùng nhau biến con đường ngắn này thành một sân chơi ngập sắc màu của lịch, của những phiên bản giấy xưa, tranh xưa, đến những tờ lịch độc, đẹp lạ. Họ thổi hồn vào những tờ lịch treo để mỗi ấn bản là một món quà thời gian mà mỗi ngày giở ra là một mảnh ghép cuộc sống. Thú vị, tươi mới và đa sắc.