Từ Malaysia, chúng tôi đi ô tô qua một con đường được đắp trên eo biển mang tên là đường Tohot là tới đảo quốc Singapore. Tổng diện tích của đất nước Singapore chỉ có gần 700 km2 và dân số chỉ khoảng năm triệu người. Thế nhưng “tiểu quốc gia” này đã làm cho người châu Âu thán phục vì sự tăng trưởng vượt bậc và cách tổ chức xã hội của họ.
Cảng biển tấp nập như... chợ nổi Ngã Bảy
Đoàn chúng tôi được đưa vào xem Bảo tàng Quốc gia Singapore. Nó tuy không lớn nhưng cách làm rất hay. Xem một vòng là thấy đất nước Singapore được xây dựng từ công đức của bốn dân tộc: Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh quốc, thấy sự phát triển của Singapore bằng sự quy tụ thế mạnh tinh thần và văn hóa của bốn dân tộc. Họ đầu tư quy mô, trình bày lịch sử bằng mô hình người và cảnh trí như thật, lại có sự tác động của âm thanh. Tôi mải mê xem và chụp ảnh nên có lúc lạc khỏi đoàn. Lúc ở một mình, bỗng nghe tiếng cọp rền, tôi hốt hoảng, cảm giác như mình đang ở một nơi thật chứ không phải bảo tàng. Vì thế hằng năm có đến vài triệu người tham quan khu bảo tàng này.
Thuở còn là bang trực thuộc Malaysia, Singapore vô cùng lạc hậu. Chúng tôi đi vào các phòng trưng bày mô hình thì thấy những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ và những tấm lưới thô sơ, cách đánh bắt thủ công với mấy con cá hủn hỉn trên sạp thuyền. Đời sống của ngư dân rất nghèo khổ. Họ cất những căn nhà nhỏ ở vịnh biển, bờ rừng, xung quanh họ là cảnh hoang sơ, có nuôi gà vịt, có tiếng cọp rền. Đến thế kỷ 19, một người Anh phát hiện Singapore là một cảng biển đẹp, sâu, có tầm ảnh hưởng chiến lược giữa châu Âu, châu Á trong việc vận chuyển hàng hóa, thế là cảng biển Singapore hình thành.
Giống như “thóc đến đâu bồ câu đến đó”, người Hoa lập tức từ Trung Quốc kéo sang, người giàu thì làm chủ mua bán, xuất khẩu hàng hóa, người nghèo thì làm cu li. Không bao lâu Singapore trở thành cảng biển tập kết hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Ngày nay nó là một cảng biển phồn thịnh loại nhất châu Á. Khi rời Singapore, từ độ cao 3.000 m tôi nhìn xuống thấy biển Singapore tấp nập tàu thuyền, nói không ngoa, giống như chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp của Việt Nam. Chính cảng biển này là động lực phát triển cơ bản của Singapore.
Thế nhưng ngày nay cơ cấu kinh tế Singapore đã có sự thay đổi. Họ xác định thế mạnh số một là trung tâm tài chính quốc tế, thứ hai mới đến cảng biển, thứ ba là du lịch, thứ tư là sản xuất lọc hóa dầu. Thu nhập bình quân đầu người của Singapore đã nâng lên trên 1.500 USD/tháng.
Vườn chim Jurong nổi tiếng ở Singapore. Ảnh: Internet
Khu phức hợp Marina Bay Sands. Ảnh: Internet
Đổ xô xem chim nói tiếng thổ dân
Không chỉ chú trọng khai thác tiềm năng văn hóa của người Hoa mà Singapore còn chú trọng khai thác, phát huy văn hóa của các dân tộc khác trên đất nước họ. Đoàn chúng tôi được đưa đi xem một màn diễn múa nước trên bãi biển bằng kỹ thuật hiện đại của pháo hoa, ánh sáng laser… Họ làm cho sân khấu trở nên lộng lẫy, hoành tráng chưa từng thấy để cho các diễn viên người Malaysia, người Ấn hát những bài dân ca của họ nói về một làng chài nghèo khổ xa xưa. Kỹ thuật của nền văn minh, hiện đại nâng niu văn hóa truyền thống và làm văn hóa truyền thống sáng lên, rực rỡ lên.
Cũng cách làm phát huy văn hóa ấy, chúng tôi còn bắt gặp tại vườn chim quốc gia Singapore. Vườn chim này nhỏ hơn vườn chim Bạc Liêu nhiều và các loại chim châu Á cũng không phong phú như của ta. Hầu hết các loại chim đều được thuần dưỡng chứ không phải chim hoang. Thế nhưng dù giá vé đến 10 USD, du khách Tây, Tàu vẫn đổ xô vào xem. Ấn tượng nhất của sân chim này là du khách được xem chim biểu diễn như chim bay qua vòng tròn và nói tiếng người theo hiệu lệnh. Đây là cách huấn luyện chim truyền thống của thổ dân Malaysia. Tức là họ đưa cái văn hóa truyền thống vào để đẩy tính hấp dẫn của vườn chim lên. Xem xong “sô” diễn của chim, tôi cứ nghĩ mãi về vườn chim Bạc Liêu. Ta cũng có cách dạy sáo, cưỡng nói tiếng người theo cách truyền thống xưa, ta có thú gác cu…, song tại sao ta không làm được như Singapore?
“Trời ơi, sao giống cảnh tiên!”
Nếu ai đặt chân đến Singapore lần đầu sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi sự văn minh của thời đại. TP toàn là những hình khối chọc trời, những đường xe trên không hiện đại, những chiếc cầu hoành tráng… Hồi mới đặt chân xuống Singapore, tôi ngạc nhiên vì thấy đường phố thưa người quá, chỉ toàn xe, lộ, nhà… Đến tối, xuống dưới lòng đất tôi mới vỡ lẽ ra, dưới lòng đất người đông như kiến vì siêu thị mua bán, phương tiện giao thông công cộng (tàu điện ngầm) tập trung dưới lòng đất. Thì ra vì đất ít nên Singapore đưa sinh hoạt của con người xuống lòng đất để chừa chỗ cho các công trình hữu ích và cây xanh. TP của họ là cây xanh bạt ngàn và rất đẹp. Đó là loại cây xanh được trồng chứ không phải mọc tự nhiên.
Cũng giống như Malaysia, TP của Singapore cũng được đặt trong một cái nền của tự nhiên và văn hóa đa sắc tộc. Đêm đến, đoàn chúng tôi được đưa xuống thuyền đi chơi trên sông. Đây là một con sông rộng nhưng ngắn, nó ăn thông ra biển và nằm giữa TP Singapore. Người Singapore gọi con sông này là tâm hồn, là trái tim của Singapore. Chúng tôi ngước nhìn, đôi bờ sông là những tòa nhà khổng lồ và hiện đại nhất. Thế nhưng xen vào giữa nó là những dãy phố theo lối kiến trúc người Hoa, người Anh ngày xưa vẫn còn được lưu giữ rất kỹ và đây là niềm tự hào của người Singapore. Cả TP rực rỡ ánh đèn và chùm ánh sáng của tia laser. Anh Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, thảng thốt: “Trời ơi! Sao giống cảnh tiên quá!”. Tôi cũng có cảm nhận nó là cảnh tiên nhưng cảnh tiên của sắc màu châu Á.
Tôi nói chuyện vận động, phát triển của Malaysia và Singapore có liên hệ với chuyện vận động, phát triển của Bạc Liêu trong một ý thức rõ ràng rằng: Mỗi quốc gia có đặc điểm kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa khác nhau. Nhưng có một nhận thức tương đối giống nhau, đó là: Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực trực tiếp quan trọng của phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng cần biết ca vọng cổ cho ngọt Đầu xuân năm 2012, trong cuộc họp mặt mừng xuân mới của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu với đội ngũ trí thức, ông Võ Văn Dũng (lúc đó là bí thư Tỉnh ủy, nay là phó trưởng Ban Nội chính Trung ương) đã tâm huyết nói về đường hướng phát triển của Bạc Liêu “đi lên từ văn hóa”. Kể từ đó Bạc Liêu đầu tư cho văn hóa mạnh và sâu hơn. Nếu trước đây người ta chỉ hiểu về Bạc Liêu là nơi sinh ra bản Dạ cổ hoài lang của nghệ nhân Cao Văn Lầu thì nay Tỉnh ủy chủ trương bỏ ra hơn chục tỉ đồng để xây dựng cây đờn kìm cách điệu giữa quảng trường Hùng Vương để làm sứ mệnh biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu. Và Bạc Liêu đầu tư chục tỉ đồng để xây dựng Khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hiện nay nó đã trở thành khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Quan trọng hơn hết, nó đã góp phần cho du lịch Bạc Liêu sống lại, du khách đến đó đã được chiêm ngưỡng những hiện vật biết nói, về tầng sâu văn hóa của vùng đất, rằng “Bạc Liêu không chỉ là đất lúa, đất muối, đất tôm mà còn là đất của tài hoa tài tử. Để rồi hôm nay đờn ca tài tử Nam bộ trở thành tài sản phi vật thể quý giá của nhân loại. Có lần ngồi lai rai cùng ông Võ Văn Dũng, tôi nghe ông nói: “Mình chủ trương khôi phục phát triển đờn ca tài tử thì lãnh đạo tỉnh cũng nên biết ca để góp phần quảng bá, tiến tới phổ cập đờn ca tài tử trong nhà trường, trong nhân dân. Đó là sự tự trọng của con dân xứ sở được mệnh danh là chiếc nôi lớn của đờn ca tài tử”. Bản thân bí thư Tỉnh ủy ca rất hay. Có lần tôi ngồi nghe ông ca với khuôn mặt say đắm tình đời cùng làn hơi ngọt ngào, cách nhả chữ điêu luyện... Tôi bật thốt: “Không hổ danh là hậu duệ của Cao Văn Lầu!”. |