'Người trong cuộc' bật mí chuyện đấu thầu vàng miếng

(PLO)- Sau 11 năm, việc đấu thầu vàng miếng diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước tồn tại nhiều khác biệt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để tăng cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên kế hoạch đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng. Hiện có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. NHNN cho biết sẽ gửi thông báo trước một ngày diễn ra đấu thầu vàng.

Năm 2013: Chống "vàng hóa" nền kinh tế

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường vàng và từng tham gia tất cả 76 phiên đấu thầu vàng vào năm 2013, chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, kể lại về những đợt đấu thầu vàng của cách đây 11 năm.

Theo dữ liệu mà ông Tuấn cung cấp, NHNN tổ chức phiên đấu thấu vàng miếng đầu tiên vào ngày 28-3-2013. Trong năm 2013, có 76 phiên đấu thầu vàng miếng, không chỉ các ngân hàng mà cả các công ty kinh doanh vàng miếng có giấy phép cũng được tham gia đấu thầu.

Đấu thầu vàng miếng: Bối cảnh năm 2024 khác gì so với cách đây 11 năm?
Ông Nguyễn Minh Tuấn tham gia toàn bộ 76 phiên đấu thầu vàng trong năm 2013

Ở thời điểm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng, thời gian đấu thầu vào ngày Thứ Sáu hàng tuần; Lượng vàng đấu thấu: 15.000 lượng/phiên, tuy nhiên riêng phiên thứ 76 vào ngày 31-12-2013: 20.000 lượng; Khối lượng đặt thầu: Tối thiểu 500 lượng và tối đa 1.500 lượng; Mức giá tham chiếu đặt cọc: Điều chỉnh theo từng phiên.

Qua 76 phiên đấu thầu, NHNN đã chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng; bán thành công: 1.819.900 lượng.

Thời điểm 2013, phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đưa ra những thông điệp, mục tiêu của việc đấu thầu vàng miếng: "Thông qua việc đấu thầu, Nhà nước không đặt mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu đặt mục tiêu tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.

Trong khi đó nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch".

anh2_traphuong_dauthauvang.jpg
NHNN tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng năm 2013. Ảnh tư liệu: SBV

Theo ông Tuấn, các phiên đấu thầu năm 2013 đã hiện thực hóa được bốn mục tiêu: Cân đối thị trường vàng trong nước, tăng nguồn cung vàng trong nước; Giảm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam; Ổn định tỷ giá; Chống "vàng hóa" nền kinh tế và tăng độ hiệu quả của chính sách tiền tệ.

dau thau vang.png
Quy trình đấu thầu vàng diễn ra năm 2013.

Năm 2014: Cân nhắc lựa chọn phương án đấu thầu

Tuy nhiên, theo CEO của AFA Capital, năm 2013, việc đấu thấu diễn ra trong bối cảnh ngân hàng bị âm trạng thái vàng thì đến năm 2024, câu chuyện lại khác.

Lần này, đấu thầu vàng do nhu cầu của người dân, cụ thể ngày 15-4-2024, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 14 triệu đồng/lượng, NHNN công bố sẽ tăng lượng cung vàng ra thị trường thông qua đấu thầu.

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, với đợt đấu thầu vàng 2024 sẽ không có khả năng NHNN lấy vàng dự trữ ra bán mà dự báo theo hướng nhập khẩu vàng để bán. Đặc biệt, động thái lấy vàng dự trữ ra bán không phù hợp với xu thế, khi nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu còn đang mua thêm vàng, điển hình như Trung Quốc đã mua vàng 17 tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, nếu theo hướng nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính đến bài toán tỉ giá. Bởi nếu áp dụng phương án này, NHNN cần đến USD để nhập vàng, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và sức ép tỷ giá sẽ tăng.

"Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước khoảng 95 tỷ USD. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng nóng"- ông Tuấn nói.

Ông Tuấn khuyến cáo cần cẩn trọng với việc đấu thầu vàng, vì năm 2013, NHNN tổ chức đấu thầu khi giá vàng đang đi xuống, nhưng ở hiện tại giá vàng thế giới đang lên, và nhu cầu người dân cũng đang cao.

Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital là người có kinh nghiệm tham gia các phiên đấu thầu vàng năm 2013. Ông Tuấn từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc trung tâm nguồn vốn, vàng và sản phẩm phái sinh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank)

Ông là người trực tiếp tham gia triển khai nghiệp vụ kinh doanh vàng vật chất và xây dựng hệ thống Egold của TP Bank.

Ông Tuấn là Thạc sỹ, trường Đại học Tổng hợp Otto von Guericker – Cộng hoà Liên Bang Đức (2007) và hiện là Hội Viên Hiệp Hội Kế Toán Quản Trị Công Chứng Australia (CMA). Ngoài ra ông Tuấn còn là giảng viên cao cấp trong các dự án của WB, ADB, JICA, AFD, EU, các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm