Lợi nhuận hàng đầu
Những ngày qua, việc thu hồi các sản phẩm thuộc nhãn hiệu Shineway của công ty TNHH thực phẩm Song Hội, Tế Nguyên, Hà Nam vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Kể từ sau ngày 17-3, khi vụ bê bối bị đưa lên mặt báo, công ty này đã phải thu về hơn 2.000 tấn chế phẩm từ lợn và hơn 70 tấn thịt tươi để lạnh. Tại những nơi chưa nhận được yêu cầu thu hồi, người dân hầu như không dám động đến bất kỳ sản phẩm nào của Song Hội Tế Nguyên, những sản phẩm được “gắn mác” là làm từ thịt những con lợn được cho ăn clenbuterol, chất phụ gia bị Trung Quốc cấm sử dụng vì gây ra các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh và toát mồ hôi ở người khi ăn phải.
Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa hết lo lắng sau vụ sữa melamine
Vụ bê bối này lại một lần nữa gây chấn động dư luận trong và ngoài Trung Quốc. Tuy đến nay vẫn chưa có trường hợp nào phải nhập viện sau khi dùng những sản phẩm này, hậu quả của nó cũng chưa thể “đo đếm” được ngay, song vẫn khiến người dân Trung Quốc “rùng mình kinh hãi”. Dường như sau khi nhiều “gian thương” phải chịu hình phạt nặng về hành vi “đầu độc người tiêu dùng” để thu lợi nhuận bất chính, thì nhiều kẻ vẫn ung dung kiếm tiền “bẩn”, bất chấp tính mạng con người bị đe dọa.
Điển hình là cuối năm 2010, trên thị trường nước này lại xuất hiện sữa có hàm lượng melamine vượt chuẩn. Kết quả điều tra của cơ quan an toàn thực phẩm Trung Quốc công bố tháng 11-2010 cho thấy, sau vụ bê bối Tam Lộc năm 2008, Đại Văn Minh, giám đốc một công ty sữa nguyên liệu ở Hà Bắc đã giữ lại sữa bẩn không tiêu hủy.
Từ tháng 2 đến tháng 6-2010, Đại Văn Minh thông qua 2 đối tượng khác bán 48 tấn sữa bẩn cho Nhà máy sữa Đông Viên, huyện Dân Hòa, Thanh Hải, Cam Túc. Số sữa này được Đông Viên giấu trong nhà dân và kho bên ngoài nhà máy, lần lượt sử dụng 8,575 tấn trộn lẫn với sữa bột khác để bán ra thị trường. Nhà chức trách Trung Quốc đã tịch thu 124,18 tấn sữa bột nguyên liệu và 64 tấn sữa thành phẩm, ra lệnh đình chỉ sản xuất, thu hồi giấy phép kinh doanh của công ty này, đồng thời bắt giữ giám đốc nhà máy Lưu Chiến Phong cùng 5 người có liên quan khác để điều tra. Tuy nhiên điều khiến người dân lo ngại là những gói sữa bột của Đông Viên đã được bán đi rất nhiều nơi và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm từ sữa rất khó thu hồi.
Lại phải lo về thịt lợn
Những vấn đề trong chất lượng sản phẩm “Made in China” lâu nay đã không còn xa lạ gì với người tiêu dùng thế giới, song vẫn không khỏi khiến người dân nước này rùng mình kinh hãi. Cuối tháng 7-2010, Cục Công Thương thành phố Bắc Kinh tiến hành kiểm tra thị trường may mặc, bất ngờ phát hiện 65 loại trang phục không đủ tiêu chuẩn, trong đó có cả sản phẩm của các hãng khá nổi tiếng như Jeanswest, Septwolves. Các lỗi bị phát hiện chủ yếu là chỉ dẫn sai về thành phần chất liệu, màu dễ bạc, chất dehyde vượt quá mức cho phép hoặc chứa các chất độc hại khác...
Đáng nói là đây không phải lần đầu tiên quần áo may bằng chất liệu độc hại xuất hiện trên thị trường Trung Quốc. Đầu năm 2010, Ủy ban công nghiệp và thương mại Thượng Hải sau khi kiểm tra, phát hiện nhiều lô hàng quần áo trẻ em kém chất lượng bán trên thị trường thành phố này. Xét nghiệm quần áo do công ty I-baby Home của Thượng Hải sản xuất, phát hiện chỉ số pH ở mức 7,8, cao hơn hẳn so với mức tiêu chuẩn cho phép là 7,5 pH. Với những loại quần áo này, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu như bị kim châm trên da, có thể nổi mẩn đỏ hoặc sưng nề nếu sử dụng thường xuyên.
Trước đó, tháng 5-2009, người ta cũng đã phát hiện hàng loạt quần áo và đồ trẻ em có chứa chất độc hại formaldehye, một hóa chất có thể gây nhiễm trùng da hoặc đường hô hấp, thậm chí là tác nhân gây ung thư ở Quảng Đông. Gần 50% sản phẩm may mặc được kiểm tra đã không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, trong khi hơn 30% đồ dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khác chứa formaldehye hoặc các kim loại độc hại như chì, cadmi và crom. “Quần áo cũng có thể giết chết bạn và gia đình bạn, đúng là không thể tưởng tượng nổi”, Á Lệ, một giáo viên ở Lan Châu than phiền.
“Lấy gì để yêu hàng nội?”
Trong một nông trường ở ngoại ô thành phố Phúc Châu, Phúc Kiến chất đầy quýt đóng thùng. Mùi ủng, thối của trái cây xộc vào mũi, nhưng các công nhân vẫn kiên nhẫn ngồi “trang điểm” cho những quả quýt đã lấm chấm vết thối để kiếm chút tiền công. Đầu tiên người ta cho số quýt này vào một chiếc thùng to, sau đó bật động cơ “giặt” sạch. Quýt vớt ra khỏi thùng trông lại vàng tươi, được đem ra phơi cho khô. Tiếp đó, một người đàn ông mang đến một hộp thuốc, đổ ra thứ bột màu hồng vào chiếc chậu đựng thứ chất lỏng giống như dầu, trộn lẫn với nhau. Chất lỏng lập tức biến thành màu đỏ đậm. Những quả quýt đã phơi khô được đổ hết vào trong chậu.Chưa đầy 30 phút, chúng đã được khoác lên mình “áo” mới, vừa đỏ vừa tươi. Khâu cuối cùng, người ta dán tem “Trái cây xuất khẩu” và đưa đi tiêu thụ.
Tuy vậy, việc này chưa gây sốc bằng việc chứng kiến cảnh “phù phép” đào xanh thành đào chín. Đào thường được ngâm vào dung dịch hỗn hợp 500gram muối, 1 gói tạo mùi, 1 gói tạo vị ngọt cùng một ít rượu trộn lẫn, sau đó quét thêm lớp bột trắng bên ngoài vỏ tạo vẻ tự nhiên. Làm như vậy, quả đào vừa nặng hơn, lại ngọt và thơm, trông cực kỳ bắt mắt.
Để phòng trừ côn trùng, người ta phun thật nhiều thuốc trừ sâu; quả chưa chín thì dùng thuốc thúc chín; quả nhỏ ngâm thuốc kích thích cho to hơn; quả chua thì dùng thuốc làm ngọt... là những hiện tượng khá phổ biến ở Trung Quốc hiện nay. Thuốc bảo vệ có thể gây rối loạn chức năng hệ thần kinh, thậm chí gây tử vong trong trường hợp nặng, hoặc dẫn đến ung thư, nhũn cơ... Không chỉ có cam, quýt, mà các phương pháp trên được áp dụng làm cho tất cả các loại trái cây, từ loại có vỏ dày như dừa đến những loại vỏ mỏng như táo, nho trở nên ngon hơn, ngọt hơn, thơm hơn.
...khi độc hại vây quanh
Gạo mốc sau khi gia công lại trắng bong, đường tinh luyện làm giả bằng cách trộn sulfur dioxide; bánh bao dùng nhiều bột nở công nghiệp để nở to hơn; gà được cho ăn cám tăng sắc tố, 3 ngày sau đẻ trứng có lòng đỏ rực; trứng gà được làm giả bằng cao su... Tất cả những thứ đó đang khiến chính bản thân người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng mất lòng tin với hàng “Made in China”.
Khẩu hiệu “Yêu dùng hàng nội” thực ra đã có ở Trung Quốc từ rất sớm - những năm đầu Dân quốc. Trải qua nhiều giai đoạn, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn hô hào người dân dùng hàng nội để phát huy tiềm lực quốc gia. Kèm theo việc kêu gọi là những quy định tương quan để ngăn ngừa sự chiếm lĩnh thị trường của hàng ngoại, như quy định mới nhất của hải quan Trung Quốc về việc đánh thuế đối với sữa bột mua qua đường bưu điện từ 2 hộp trở lên, quy định mà không ít người phàn nàn rằng “có khác gì ép người ta dùng sữa nội”. “Chúng tôi muốn yêu hàng nội, cũng muốn dùng hàng nội, nhưng chất lượng như thế, biết lấy gì để yêu hàng nội đây?”, chị Lý Vịnh Nghi, một người sống ở Quảng Đông cho biết. Thậm chí, “hàng nội địa” giờ đây đã trở thành đại từ thay thế cho “vật phẩm nguy hại cho tính mạng” trong tiềm thức nhiều người Trung Quốc.
Bảo Trâm tổng hợp (ANTĐ)