Người Việt chi hàng nghìn tỉ đồng mua táo, kiwi của New Zealand

(PLO)- Trong năm 2022, người Việt Nam chi 2,6 nghìn tỉ đồng mua táo và kiwi của New Zealand.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-6, Cơ quan thương mại và phát triển doanh nghiệp New Zealand đã khởi động chiến dịch bán lẻ “Made With ” năm 2023 nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống (F&B) của nước này tại Việt Nam.

Trao đổi vớiPLO, bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của nước này. Tổng thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 2,6 tỉ USD. Trong đó F&B là ngành chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu từ New Zealand sang Việt Nam, với tổng giá trị 798 triệu đô la vào năm ngoái.

Trong đó, táo và kiwi là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của New Zealand sang thị trường Việt Nam, với tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 183,98 triệu đô New Zealand (tương đương 2,6 nghìn tỉ đồng) vào năm 2022.

Đặc biệt, chỉ tính riêng táo, tổng giá trị xuất khẩu sang Việt Nam ước đạt hơn 143,04 triệu đô New Zealand (tương đương hơn 2 nghìn tỉ đồng) vào năm ngoái, tăng 54,7% so với 2021.

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu kiwi sang Việt Nam cũng đã tăng từ 12 triệu đô New Zealand (khoảng 171 tỉ đồng) vào năm 2021 lên 30,37 triệu đô New Zealand (tương đương khoảng 430 tỉ đồng) vào năm 2022.

Giá trị xuất khẩu kiwi sang Việt Nam đạt khoảng 430 tỉ đồng vào năm 2022. Ảnh: THU HÀ

Giá trị xuất khẩu kiwi sang Việt Nam đạt khoảng 430 tỉ đồng vào năm 2022. Ảnh: THU HÀ

Theo bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Công ty Golden Bay Fruit (New Zealand), dù người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nhưng các dòng sản phẩm táo New Zealand vẫn nhận được sức mua tích cực.

"Tính tới thời điểm hiện nay, chúng tôi ước tính sản lượng táo nhập khẩu về Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến sản lượng sẽ tăng 20% cho tổng toàn cầu. Sự tăng trưởng là nhờ vào việc mở rộng mạng lưới phân phối, giá cả và đa dạng hóa sản phẩm từ táo phổ thông đến giống táo độc quyền cho Golden Bay trồng, cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm"- bà Diệp nói.

Tương tự bà Nguyễn Thị Kim Hương, Đại diện phụ trách thị trường tại Việt Nam của thương hiệu táo hữu cơ Bostock, cho biết năm nay giá táo cao hơn mọi năm khoảng 20% (giá xuất khẩu về Việt Nam), do vùng trồng bị ảnh hưởng bởi bão gây mất mùa. Tuy nhiên nhu cầu thị trường vẫn không giảm, dù Việt Nam là thị trường mới của táo hữu cơ New Zealand.

"Hiện nay, sản lượng táo hữu cơ Bostock khi về Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Một trong những sức hút của táo hữu cơ là giá cả không quá chênh lệch so với táo thường. Nếu tính theo đầu thùng 17 - 18 kg, thì chỉ chênh lệch khoảng 4%. Thêm nữa hiện nay người Việt Nam đang ngày càng có sự quan tâm tới thực phẩm sạch, chính vì thế táo hữu cơ được đáp ứng tốt".

Theo Thống kê của Hải quan Việt Nam, New Zealand đang ở vị trí thứ 4 trong top 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn vào Việt Nam. Bà Tredene Dobson cũng tiết lộ trong thời gian tới, doanh nghiệp nước này sẽ xuất khẩu dâu tây, bí, bưởi, chanh nhờ vào các thỏa thuận tiếp cận thị trường được ký kết giữa hai nước vào cuối năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm