Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết tại TP hiện có khoảng 800 dự án nhà đầu tư không báo cáo cho Sở, 266 dự án Sở không liên lạc được với nhà đầu tư. Đây là những dự án tiềm ẩn vướng mắc và tranh chấp.
Một trong các nguy cơ tiểm ẩn tranh chấp theo ông Kiên là rất nhiều dự án được cấp phép đã lâu, khoảng 20 năm, gần chấm dứt dự án. Nhà đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam theo quy định cũ. Sau hơn 20 năm thì quy định có thay đổi, quy hoạch cũng có thay đổi, nhiều dự án không còn phù hợp với quy hoạch nữa.
Tuy nhiên, nếu TP không gia hạn cho nhà đầu tư thì có thể xảy ra tranh chấp vì họ đã bỏ số vốn lớn ra để làm dự án mấy mươi năm trước. Có sự không tương thích giữa lợi ích của nhà đầu tư - lợi ích của TP.
Quang cảnh hội nghị.
Luật sư Sebastian Mueller, chuyên gia Viện Hợp tác Quốc tế Đức về pháp luật, cho biết việc thay đổi chính sách, đổi ý của nhà chức trách có thể sẽ dẫn đến trách nhiệm bồi thường rất lớn.
Ông dẫn chứng trường hợp tại Đức đang có một số nhà máy điện nguyên tử. Sau một vụ động đất lớn, Đức muốn bỏ các nhà máy này đi. Nhà đầu tư không chịu vì đã bỏ tiền đầu tư trước đó. Thế là Đức cho gia hạn khoảng 20 năm.
Tuy nhiên, sau đó xảy ra vụ động đất và sóng thần ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Đức bèn quyết tâm bỏ ngay các nhà máy điện hạt nhân tại Đức.
Một nhà đầu tư Thụy Điển cho rằng vì được chính quyền cho gia hạn đến năm 2025 nên họ đã bỏ thêm một khoản đầu tư lớn cho nhà máy điện. Họ đã kiện chính phủ Đức.
Ông cũng dẫn chứng trường hợp nhiều quốc gia châu Âu có hứa nếu doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời thì nhà nước sẽ mua lại điện với giá cao. Sau đó, khi nhà đầu tư đã bỏ vốn để thực hiện dự án thì có khó khăn tài chính, nhà nước không thể mua điện với giá cao như đã hứa nên bị doanh nghiệp kiện và có nguy cơ phải chi một khoản bồi thường rất lớn.