Các nước khác - bao gồm Mỹ và Liên Xô (cũ)- trước đây đã sử dụng cùng một loại tên lửa để vận chuyển các vệ tinh vào không gian.
Phóng vệ tinh thất bại cũng là bài học lớn
Phát triển thành công công nghệ ICBM với khả năng vận chuyển một tải trọng hạt nhân qua khoảng cách xa một cách chính xác là điều không dễ dàng, đòi hỏi công nghệ phức tạp cùng nhiều thử nghiệm chuyên sâu.
Theo một báo cáo năm 2015 về chương trình không gian của Bình Nhưỡng của 38 North, trang web phân tích của Viện Mỹ-Hàn Quốc tại Đại học Johns Hopkins, thử nghiệm tên lửa qua phóng vệ tinh sẽ cung cấp dữ liệu vô giá cho việc phát triển ICBM trong tương lai.
"Việc phóng vệ tinh, ngay cả khi thất bại, cũng sẽ đem lại kinh nghiệm quý báu," kỹ sư hàng không vũ trụ John Schilling viết.
Schilling nói rằng trong tương lai Bình Nhưỡng rất có thể sẽ thử kiểm tra thiết bị tái nhập, một yếu tố quan trọng cho ICBM. Đó là dấu hiệu để dè chừng.
Triều Tiên trên tiến trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân
Một bước quan trọng trong việc phát triển thành công ICBM là việc thu nhỏ các vũ khí hạt nhân, làm cho chúng có đủ nhẹ để gắn trên đầu tên lửa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem tên lửa được phóng được ghi lại bởi truyền thông Triều Tiên
Tháng 5 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thực hiện thành công việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân, dù thông báo này sau đó vấp phải nhiều hoài nghi từ các quan chức Mỹ.
"Đánh giá của chúng tôi về khả năng phát triển hạt nhân của Triều Tiên không có gì thay đổi", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Patrick Ventrell cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó. "Chúng tôi không nghĩ rằng họ có khả năng đó."
"Tuy nhiên, họ đang nghiên cứu phát triển một số loại tên lửa tầm xa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa, mà cuối cùng có thể đe dọa nước Mỹ và các nước đồng minh," ông nói thêm.
Trong khi Nhà Trắng đã kiên quyết rằng Triều Tiên không đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về điều này.
Mỹ quân tướng Curtis Scaparrotti, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết từ tháng 10 năm 2014 Triều Tiên có lẽ đã thực hiện thành công viêc thu nhỏ thiết bị hạt nhân.
Thu nhỏ vũ khí hạt nhân- một trong những bước quan trọng
Thu nhỏ vũ khí hạt nhân là một phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân.
Theo các chuyên gia, các thiết bị hạt nhân cũng cần phải đủ bền để có thể chịu được các chuyến bay trên tên lửa đạn đạo. Các thiết bị này sẽ được đặt trong một “phương tiện tái nhập”có thể chịu đựng nhiệt độ cao khi xuyên qua bầu khí quyển để trở về Trái đất.
Trong bài viết trên 38 North vào năm 2015, chuyên gia kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis cho biết ông nghĩ rằng Triều Tiên có lẽ đã thực hiện được một trong ba bước nêu trên.
Độ tin cậy và độ chính xác của các vũ khí Triều Tiên khi ráp lại với nhau vẫn chưa được kiểm chứng, Lewis viết.
Tuy nhiên, trong trao đổi với CNN hồi đầu năm nay, Lewis nhấn mạnh công nghệ của Triều Tiên sẽ cải tiến không ngừng.
"Chúng ta thường quên rằng, khi các quốc gia xây dựng một vũ khí hạt nhân, họ sẽ tìm mọi cách làm cho nó phức tạp hơn," ông nói.
Tên lửa Taepodong, hiện đang được phát triển ở Triều Tiên có liên quan chặt chẽ đến các thiết bị Unha sử dụng để phóng các vệ tinh của Bình Nhưỡng, được cho là có tầm bắn lên tới 9.000 km, đặt các nước Tây Âu, châu Á và miền Tây Mỹ vào vòng nguy hiểm.
Rủi ro trong khu vực
ICBM sẽ là con át chủ bài nếu Bình Nhưỡng muốn đe dọa lục địa Mỹ. Dù vậy, với công nghệ hiện nay của Bình Nhưỡng, các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á, chưa nói đến Tokyo hay Seoul, thủ đô của hai nước đồng minh chủ chốt trong khu vực, cũng cần thận trọng.
Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đã tích trữ được một kho vũ khí hạt nhân với khoảng một chục loại vũ khí hạt nhân, và theo các chuyên gia hạt nhân của Trung Quốc, con số này có thể lên đến 20.
Triều Tiên cũng đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo tàu ngầm (SLBM). SLBM rất khó để phát hiện và thu hẹp khoảng cách tên lửa cần di chuyển đến mục tiêu.
Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là mối đe dọa đến Hawaii và vùng lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.