Nguyên nhân 2 học sinh tử vong sau tiêm vaccine

Sáng 30-11, Bộ Y tế đã có những thông tin ban đầu với báo chí xung quanh việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Theo Bộ Y tế, sau gần một tháng triển khai tiêm chủng, cả nước đã có 34/63 tỉnh, thành triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi và đã tiêm trên 3,5 triệu mũi, trong đó có 684.000 trẻ tiêm đủ hai mũi.

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm chiếm 0,34%

Trong hơn 3,5 triệu liều vaccine được tiêm cho trẻ em có 10.573 trường hợp gặp phản ứng thông thường sau tiêm (chiếm 0,34%), chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có ba trường hợp tai biến nặng sau tiêm ghi nhận tại Hà Nội và Bắc Giang, trong đó có hai trẻ 14 và 17 tuổi tử vong.

Nguyên nhân tử vong của hai trẻ này là phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến chất lượng vaccine và quá trình tiến hành tiêm chủng.

Theo Giám đốc BV Nhi trung ương Trần Minh Điển, kể cả trường hợp ở Bắc Giang lẫn Hà Nội, các trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm và đều được đưa vào bệnh viện xử lý ngay khi phát hiện. Các bác sĩ, điều dưỡng đánh giá được độ sốc phản vệ và tiếp cận phác đồ xử lý sốc phản vệ theo quy định. “Rất đáng tiếc với các trường hợp này” - ông Điển nói.

Giám đốc BV Nhi trung ương cho biết thêm, hội đồng chuyên môn đã phân tích kỹ những dấu hiệu của các trường hợp tử vong, xét nồng độ trong máu để đưa ra những chẩn đoán sâu hơn, đồng thời rút ra kinh nghiệm xử lý cho đợt tiêm mới.

Liên quan đến loại vaccine đang tiêm cho trẻ em hiện nay, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết cả nước hiện đã tiêm hơn 17 triệu liều vaccine Pfizer, ghi nhận 60 người sốc phản vệ sau tiêm. Tỉ lệ này chiếm 3,4/1 triệu liều vaccine sử dụng và nằm trong ghi nhận chung của các quốc gia trên thế giới.

Bà Hồng cho hay đối với những vaccine có bản chất là mRNA bao gồm Pfizer, Moderna sau tiêm sẽ xuất hiện một số phản ứng hiếm gặp mà trên thế giới đã ghi nhận. Phản ứng hiếm gặp WHO đã khuyến cáo các nhà sản xuất trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đó là phản ứng viêm cơ tim.

Phản ứng viêm cơ tim đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, số liệu ghi nhận thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn và trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Tỉ lệ của nữ là 1/1 triệu liều, nam là 6-10/1 triệu liều vaccine sử dụng.

“Trước khi tiêm chủng, Bộ Y tế truyền thông và tập trung khá nhiều về việc mũi 2 có nguy cơ gặp phản ứng viêm cơ tim cao hơn so với mũi 1. Cụ thể, phản ứng viêm cơ tim ở mũi 2 cao gấp 3-6 lần so với mũi 1. Mặc dù là phản ứng hiếm gặp nhưng Bộ Y tế luôn lưu ý tại các buổi tập huấn, nhất là về cách xử trí tình huống với người tiêm bị viêm cơ tim. Bản chất việc xử trí đơn giản, không quá khó khăn, các biện pháp xử trí có thể chủ động” - bà Hồng nói.

Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho học sinh tại TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Bình Phước: Bé trai 12 tuổi tử vong sau tiêm vaccine

Ngày 30-11, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Phước xác nhận có trường hợp bé trai 12 tuổi tại huyện Đồng Phú tử vong sau khi tiêm vaccine.

“Trường hợp bé trai tử vong sau khi tiêm vaccine là có. Tuy nhiên, có phải là tử vong do vaccine hay không thì chưa thể kết luận. Bình Phước đang thành lập hội đồng chuyên môn, ngày mai sẽ họp và có kết luận về trường hợp tử vong này” - vị đại diện cho biết.

Bé trai 12 tuổi được gia đình đưa đi tiêm vaccine ở xã Tân Lợi. Sau khi tiêm, bé trai có dấu hiệu bất thường nên đến sáng 30-11 được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, sau đó đã tử vong. 

Băn khoăn việc chỉ nên tiêm cho trẻ mắc bệnh nền

Trước thắc mắc vì sao trẻ khi mắc COVID-19 chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn tiêm vaccine, liệu có nên tiêm vaccine cho trẻ có nguy cơ cao và không tiêm cho trẻ nguy cơ thấp hay không, giám đốc BV Nhi trung ương khẳng định tiêm chủng cho trẻ em thời điểm này là phù hợp và đúng khuyến cáo của WHO.

Thực tế tại TP.HCM, hầu hết trẻ em tử vong vì COVID-19 rơi vào các trẻ có bệnh nền, có bệnh lý nặng, béo phì còn những trường hợp khác khá nhẹ.

Tuy nhiên, tiêm vaccine cho trẻ có bốn lợi ích lớn: Thứ nhất, tiêm cho trẻ em để giảm mắc, nếu mắc cũng nhẹ hơn. Khi đó sẽ không tốn kém tiền của, không tốn các chi phí y tế khác. Đặc biệt với các trẻ mắc bệnh nền như bệnh bẩm sinh, bệnh lý khác về tim, gan thận hoặc các suy giảm miễn dịch, trẻ tự kỷ chẳng hạn... khi được tiêm sẽ giảm được tỉ lệ tử vong của nhóm trẻ này.

Thứ hai, giảm được nguồn lây đến gia đình, nếu các trẻ không may mắc COVID-19 có thể giảm được lây lan cho ông bà, cha mẹ.

Thứ ba, tiêm đủ hai mũi vaccine, phủ vaccine trong trường học là tạo môi trường tốt để các trẻ được đi học an toàn hơn, vui chơi, thể dục thể thao thoải mái hơn.

Cuối cùng là về miễn dịch cộng đồng, với một loại bệnh nếu đã có vaccine để tiêm thì cần 80%-85% miễn dịch cộng đồng mới đảm bảo được bệnh nhẹ đi và loại trừ được tử vong. Do vậy, nếu có điều kiện thì nên tiêm cho hầu hết học sinh trong độ tuổi khuyến cáo để đảm bảo an toàn.

Tại sao nhiều nơi chưa phủ được vaccine cho người lớn đã tiêm cho trẻ em?

Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết đến nay cả nước đã tiêm hơn 122 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó hơn 70 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 50 triệu người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, gần 70% độ bao phủ.

Vaccine đang về Việt Nam với tiến độ tốt, hằng ngày, hằng tuần đều nhận được vaccine theo hợp đồng mà Bộ Y tế và Chính phủ mua của các quốc gia. Vì vậy, trong tuần sẽ phân bố sớm về các địa phương chưa được bao phủ như Nghệ An, Thanh Hóa...

Giải thích về việc tại sao các tỉnh này chưa được bao phủ vaccine như các nơi khác, bà Hồng cho rằng do lượng vaccine trước đây về khá hạn chế, căn cứ vào tình hình dịch tễ mà việc phân bố ưu tiên cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh đang có tình hình dịch căng thẳng.

Theo bà Hồng, trung tuần tháng 12, hầu hết người dân Việt Nam trên 18 tuổi sẽ được tiêm phủ vaccine COVID-19. Lộ trình tiêm chủng theo đúng khuyến cáo của WHO là tiêm vaccine cho trẻ em khi đã tiêm vaccine cho người lớn đạt 80% bao phủ, đặc biệt trên 90% người trên 65 tuổi được tiêm vaccine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm