Lớp tường bê tông cốt thép là lớp bảo vệ cuối cùng được thiết kế bao quanh lò phản ứng để ngăn vật liệu phóng xạ thoát ra khu vực lân cận trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng.
“Ban đầu chúng được thiết kế để chịu được bão, động đất và các kiểu thảm họa tự nhiên khác” - ông Kim nói. Theo ông, lớp vỏ có thể làm chệch hướng sức nổ và mảnh vỡ từ bên trong nhưng không thể chịu được các tấn công bên ngoài hay kiểu tấn công khủng bố đã phá hủy Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11-9-2001.
Khi được hỏi về biện pháp giải quyết vấn đề, ông Kim cho biết Hàn Quốc lạc hậu hơn Mỹ về các giải pháp đối phó với tấn công quân sự và khủng bố. Theo ông, Hàn Quốc chỉ vừa đặt ra quy trình đánh giá khả năng đối phó với tác động bên ngoài vào cuối năm 2016, trong khi Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ đã kêu gọi có biện pháp bảo vệ các lò phản ứng và nhà máy hạt nhân khỏi bị tấn công từ tháng 7-2009.
“Việc Hàn Quốc chưa có biện pháp giải quyết là một sai sót nghiêm trọng, đặc biệt khi đứng trước đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên” - ông Kim nhận định. Theo ông, việc thiết kế các lò phản ứng tương lai phải tính đến mọi khả năng và tăng cường biện pháp bảo vệ chúng.