Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gọi tắt là Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương, đặt tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) sẽ xử lý nước thải ô nhiễm cho lưu vực các kênh này. Tuy nhiên, nhiều khả năng sau khi hoàn thành, nhà máy không có nước thải để vận hành.
Kênh ô nhiễm, dân mỏi mòn chờ
Đến cuối tháng 8, theo ghi nhận của chúng tôi, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương cơ bản đã xây xong những hạng mục chính.
Một cán bộ của Trung tâm chống ngập TP.HCM cho biết theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (đơn vị đầu tư xây dựng Nhà máy Tham Lương), đến hết quý II-2017, nhà máy cơ bản đã hoàn thành. Chậm nhất đến quý III-2017, nhà máy có thể hoạt động. Tuy nhiên, Công ty Phú Điền lo ngại khi nhà máy xây dựng xong sẽ không thể vận hành vì hệ thống tuyến cống bao dẫn nước về nhà máy vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Mới đây, trong báo cáo UBND TP, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cũng đề cập đến chuyện này. Trong khi đó, theo phản ánh của người dân sống dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh này ngày càng nghiêm trọng. Nỗi chờ mong dòng kênh hồi sinh theo đó cũng mỏi mòn dần.
Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương sắp hoàn thành. Ảnh: KB
Tuyến cống bao thu gom nước thải lưu vực Tham Lương vẫn chưa biết khi nào được xây dựng để dẫn nước thải về nhà máy xử lý. Ảnh: KB
Phải chờ nguồn vốn khác
Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương là một dự án thành phần thuộc dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (còn gọi là dự án quản lý rủi ro chống ngập TP.HCM). Dự án quản lý rủi ro chống ngập có tổng mức đầu tư hơn 400 triệu USD, trong đó có gói thầu xây lắp tuyến cống bao thu gom, dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải tại phường An Phú Đông để xử lý. Giống như dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi có tuyến cống bao, nước thải ô nhiễm sẽ không chảy xuống kênh mà được dẫn về nhà máy để xử lý. Theo đó, nước kênh dần dần sẽ được cải thiện, giảm bớt ô nhiễm.
Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định dừng tài trợ 400 triệu USD cho dự án quản lý rủi ro chống ngập nên gói thầu xây dựng tuyến cống bao kênh Tham Lương cũng bị ảnh hưởng theo.
“Việc WB dừng tài trợ khiến cho tiến độ của dự án bị đình trệ. Nếu bây giờ có vốn cũng rất khó để thi công kịp tiến độ, đồng bộ với Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương. Do đó, khả năng Nhà máy Tham Lương sau khi hoàn thành không có nước để vận hành là rất cao” - một kỹ sư am hiểu về thi công tuyến cống bao nhận định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập (đơn vị được giao tiếp quản Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương), cho biết sau khi WB dừng tài trợ, TP phải liên hệ với Ngân hàng Châu Á để tìm nguồn vốn thực hiện tiếp tục dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Tuy nhiên, hiện ông Công cũng không thể trả lời được khi nào dự án xây dựng tuyến cống bao dẫn nước về Nhà máy Tham Lương sẽ khởi công.
Đề xuất phương án vận hành tạm Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập (đơn vị được giao tiếp quản Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương), cho biết trong thời gian chờ có nguồn kinh phí thực hiện dự án tuyến cống bao dẫn nước thải trên lưu vực Tham Lương, để nhà máy xử lý nước thải không phải rơi vào cảnh không có nước để vận hành, Công ty Phú Điền có đề xuất xây trước một tuyến cống ngắn. Tuyến này tạm thời dẫn nước ở quận 12 về nhà máy để xử lý. Hiện đề xuất này đang được UBND TP xem xét. Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương là nhà máy xử lý nước thải lớn thứ hai ở TP.HCM (sau Nhà máy Bình Hưng). Giai đoạn 1 nhà máy có công suất 131.000 m3/ngày đêm. Chưa tính chi phí vận hành, mức đầu tư xây dựng nhà máy hơn 1.500 tỉ đồng. Nhà máy được thực hiện bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư được TP.HCM thanh toán bằng quỹ đất. Dòng kênh đen sệt như bùn thải Anh Sơn, làm nghề vớt trùn chỉ, sống ở mé sông Vàm Thuật, đoạn tiếp giáp với kênh Tham Lương, cho biết vào những lúc nước xuống thấp, dòng kênh đen sệt như bùn thải và hôi thối không chịu nổi. “Người dân luôn trông ngóng nhà máy xử lý nước thải sớm hoàn thành để dòng kênh Tham Lương có thể hồi sinh giống như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa thấy họ xây cống thu gom nước thải” - anh Sơn bày tỏ. |