Nhận diện những yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ

(PLO)- Những yếu tố nào sẽ có sức tác động mạnh tới lá phiếu cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử cuối năm nay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh ngày bầu cử càng tới gần, hai chuyên gia về nền chính trị Mỹ Clodagh Harrington và Alex Waddan đã chỉ ra 5 vấn đề được cử tri Mỹ, nhất là ở các bang chiến địa như Pennsylvania, North Carolina, Wisconsin… quan tâm nhất và có khả năng sẽ quyết định lá phiếu của cử tri. Bài viết được đăng trên tờ The Conversation.

Kinh tế: Ông Trump dẫn trước nhưng bà Harris có thông điệp riêng

Tình hình kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí hàng ngày, do đó nó trở thành yếu tố chính quyết định lá phiếu của cử tri Mỹ.

5 vấn đề quyết định lá phiếu cử tri Mỹ.jpg
Hai ứng viên tổng thống năm 2024: bà Kamala Harris - đảng Dân chủ (trái) và ông Donald Trump - đảng Cộng hoà (phải). Ảnh: GETTY IMAGES

Các chỉ số kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy “mọi thứ hiện đang có vẻ tích cực hơn”. Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 40 năm hồi năm 2022, lạm phát đã được kiềm giảm trong hai năm qua. Cùng trong thời gian này, nền kinh tế Mỹ được nhận xét đã “tăng trưởng ổn định”.

Tuy nhiên, cử tri Mỹ dường như không mấy ấn tượng với chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden, vốn được kỳ vọng sẽ có tác động dài hạn. Hơn một nửa người trả lời khảo sát tin rằng sẽ xảy ra suy thoái kinh tế.

Điều này giúp ông Trump duy trì sự dẫn đầu đáng kể về lòng tin của cử tri về vấn đề kinh tế.

Những điểm nổi bật trong cam kết chính sách kinh tế của ông Trump là đề xuất áp thuế nhập khẩu cao, giảm thuế cho người cao tuổi và định hướng đưa Mỹ trở thành “cường quốc sản xuất của thế giới”, bao gồm việc đẩy mạnh ngành công nghiệp năng lượng.

Trong khi đó bà Harris hướng vào tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp. Mặc dù không đi chệch quá xa so với chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden, bà Harris đã vạch ra các kế hoạch có thể thu hút được sự ủng hộ của cử tri lưỡng đảng, bao gồm mở rộng giảm trừ thuế liên quan tới trẻ em và các ưu đãi mua nhà.

Nhập cư: Đảng Dân chủ bị chỉ trích yếu kém

Nhập cư và kiểm soát biên giới được coi là vấn đề “định nghĩa bản sắc chính trị của ông Trump”. Ngay từ khi tranh cử hồi năm 2016, ông Trump đã cam kết với cử tri Mỹ sẽ xây một bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico. Sau khi đắc cử, chính quyền ông Trump đã thực hiện các biện pháp, dù gây tranh cãi, để ngăn chặn tình trạng vượt biên.

Dù đã xây dựng nhiều quy định siết việc người di cư xin tị nạn, chính quyền ông Biden vẫn bị đảng Cộng hoà liên tục chỉ trích “yếu kém” trong thực thi pháp luật, để cho tình trạng “hỗn loạn” do các băng đảng ma tuý, tội phạm bạo lực, và thậm chí khủng bố, quay trở lại biên giới phía nam đất nước.

Bức tường biên giới Texas.jpg
Một đoạn bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico tại bang Texas (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Việc bà Harris thay ông Biden dẫn đầu chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ càng được đảng Cộng hoà nhấn mạnh. Vì Phó tổng thống Harris bị ông Trump và các đồng minh mô tả là “thất bại” trong vai trò phối hợp với các quốc gia Trung Mỹ để giảm số lượng người đổ về Mỹ.

Trong một bài viết trên tờ Los Angeles Times, học giả Mỹ Wayne A. Cornelius, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học California tại San Diego (Mỹ), đã chỉ ra những thành tựu mà bà Harris đã đạt được trong vấn đề nhập cư.

Ông Cornelius nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của bà Harris là thúc đẩy một cách tiếp cận bổ sung cho việc kiểm soát biên giới: giải quyết nguyên nhân gốc rễ của dòng di cư như nghèo đói, thất nghiệp, bạo lực… ở quê hương của họ.

Xét ở mặt này, Mỹ không thể giải quyết một mình. Còn bà Harris đã đạt được những thành tựu “đáng được ghi nhận”, nổi bật là chương trình “Đối tác vì Trung Mỹ” (PCA) nhằm giúp các nước Trung Mỹ phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Corlenius chỉ ra một vấn đề lớn là lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đã không tìm tiếng nói chung để cải cách hệ thống pháp luật về nhập cư vốn chưa được cải cách suốt từ những năm 1990.

Quyền phá thai: Cuộc đối đầu giữa tư tưởng bảo thủ và tự do

Quyền phá thai luôn là đề tài lớn trong các chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hoà từ những năm 1980 tới nay. Đây không hẳn là một vấn đề của toàn dân, song lại có ảnh hưởng trong một bộ phận lớn cử tri Mỹ ở nhiều bang chiến địa.

Nhà Trắng có thể tác động tới các quy định pháp lý liên quan tới quyền này thông qua việc đề cử thẩm phán tòa án tối cao.

Năm 2022, Toà án tối cao Mỹ với 6 thẩm phán được các tổng thống thuộc đảng Cộng hoà bổ nhiệm và 3 thẩm phán được các tổng thống thuộc đảng Dân chủ bổ nhiệm, đã đảo ngược một phán quyết năm 1973. Quyền phá thai không còn được coi là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ hay phù hợp với Hiến pháp Mỹ nữa.

Hai chuyên gia cho rằng ông Trump đang truyền đạt tới cử tri Mỹ một lập trường ít cứng rắn, nói rằng quy định về quyền phá thai nên thuộc về các tiểu bang. Trong khi đó, bà Harris đang tích cực vận động ủng hộ quyền này, coi đây là một trong những nội dung thu hút phiếu bầu.

Chính sách đối ngoại: Câu hỏi quanh 2 cuộc xung đột Ukraine, Trung Đông

Hai chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại thường không phải là ưu tiên hàng đầu của cử tri Mỹ, song hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông có thể ảnh hưởng đến lá phiếu bầu tổng thống năm nay. Đồng thời, đây không chỉ là vấn đề tranh cãi giữa lưỡng đảng mà còn gây ra nhiều tranh luận trong từng đảng.

Bà Harris lo ngại rằng những cử tri trẻ ủng hộ Palestine sẽ không bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì chính quyền đương nhiệm đang đứng về phía Israel. Lo ngại càng tăng cao khi xảy ra các cuộc biểu tình trong suốt cả tuần bên ngoài đại hội toàn quốc của đảng này.

Còn các cử tri Mỹ ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga lại lo ngại nếu quay lại Nhà Trắng ông Trump sẽ cắt giảm hỗ trợ cho Kiev. Tuy nhiên, nội bộ đảng Cộng hoà không hoàn toàn ủng hộ chính sách như vậy, hai chuyên gia lưu ý.

Nền dân chủ: Động lực từ ký ức về cuộc bạo loạn năm 2021

Những cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump vẫn còn niềm tin vào các tuyên bố của ứng viên này, rằng cuộc bầu cử năm 2020 “đã bị đánh cắp” và đảng Cộng hoà mới thực sự là bên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó.

Ngược lại, nhiều người vẫn còn sợ hãi về cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6-1-2021, coi đó là hành vi chống lại nền dân chủ.

Hai chuyên gia cho rằng, những tranh cãi này sẽ là động lực thôi thúc nhiều cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 5-11 tới để thể hiện lập trường của mình.

* Bà Clodagh Harrington, giảng viên về chính trị Mỹ tại Đại học College Cork (UCC – Ireland) và ông Alex Waddan, phó giáo sư về chính trị và chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Leicester (Anh).

Hai chuyên gia này là đồng tác giả cuốn sách “Obama vs Trump The Politics of Presidential Legacy and Rollback” (tạm dịch: Obama và Trump: Chính trị về di sản tổng thống và sự đảo ngược” (năm 2020) về những gì được coi là di sản của cựu Tổng thống Barack Obama và những thay đổi mang tính “đảo ngược” mà ông Trump đã thực hiện trong nhiệm kỳ của mình.

Ông Trump nói ‘có mọi quyền’ can thiệp cuộc bầu cử năm 2020

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông có “mọi quyền” can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và rằng các vụ án hình sự cáo buộc ông can thiệp bầu cử đều mang động cơ chính trị, tờ The Hill đưa tin ngày 2-9.

Cựu Tổng thống Trump - ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà - đang đối mặt các vụ án hình sự các buộc cố gắng lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 cũng như gian lận kết quả bầu cử tổng thống vào năm 2020 tại bang Georgia.

Ông Trump cáo buộc những người truy tố ông có thành kiến ​​chính trị chống lại ông.

“Họ đưa người vào văn phòng công tố viên. Tất cả những điều này đều xuất phát từ Bộ Tư pháp để bắt đối thủ chính trị của họ, đó chính là tôi” - ông Trump nói.

Đáp lại, đội ngũ tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris nói rằng những điều ông Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử, từ “chấm dứt” Hiến pháp, đến bỏ tù những đối thủ chính trị và sẽ cai trị như một nhà độc tài vào “ngày đầu tiên”, đều cho thấy rõ rằng ông Trump tin rằng mình đứng trên luật pháp.

“Bây giờ, ông Trump tuyên bố rằng ông ấy có ‘mọi quyền’ để can thiệp cuộc bầu cử năm 2020. Ông ấy không có quyền đó” - bà Sarafina Chitka, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Harris, cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm