Hiện mạng xã hội tràn lan các nhóm mua bán clip khiêu dâm, trong đó nhiều người có hành vi mua bán clip nhạy cảm trẻ em hoặc trẻ vị thành niên để thu lợi.
Trong các hội nhóm này thường có nhiều “đầu nậu” chuyên tìm các clip khiêu dâm trẻ em rồi tổng hợp, bán lại cho người có nhu cầu xem.
Nhiều hội nhóm có nội dung khiêu dâm trẻ em
Không khó để tìm các hội nhóm trao đổi clip, hình ảnh khiêu dâm. Các nhóm này thường có số lượng thành viên lớn, từ vài trăm đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thành viên, mỗi ngày trao đổi với nhau hàng trăm hình ảnh, clip khiêu dâm.
Theo ghi nhận, các nhóm khiêu dâm có nội dung liên quan đến trẻ em xuất hiện chủ yếu trên Telegram, Twitter.
Tham gia hội nhóm tên “Nhóm Học Tập”, PV được đưa về các nhóm như “Hội trẻ em thích Checkout” có 4.280 thành viên, “Nhóm clip trẻ con” có 33.818 thành viên, “Clip … trẻ em” có 33.790 thành viên, “Video clip ấu dâm” có 25.700 thành viên, “Động link trẻ em” có 25.700 thành viên…
Tương tự, hội nhóm tên “Video trẻ em loli” với hơn 100 nhóm nhỏ cũng dẫn đến nhiều nhóm như “Học sinh”, “HD học sinh”, “quay lén học sinh”… Các nhóm này đều có lượng thành viên cực khủng, từ 600-300.000 người.
Vào một nhóm theo đường dẫn, những hình ảnh khiêu dâm trẻ em được gửi lên công khai cho các thành viên cùng xem, tải về, sử dụng tự do...
Thực tế này xuất hiện ở hầu hết các hội nhóm về trẻ em. Hình ảnh nhiều bé gái xuất hiện trong các video với những cử chỉ nhạy cảm, được người lớn hướng dẫn nhưng không có bất kỳ sự kiểm soát nào.
Mua bán công khai clip khiêu dâm trẻ em
Trong khoảng thời gian tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nhan nhản việc tìm kiếm, rao bán clip nhạy cảm liên quan trẻ em.
Trong nhóm “Sài Gòn Hub – Chat”, tài khoản Telegram tên “Dâm Poy” rao tìm: “Ai có video … trẻ em ko?”; tài khoản “Linhmetrai Linh12345” thì gửi tin nhắn “Anh em nào có video … trẻ em hông” với hàng chục lượt like với những tin nhắn này.
Với một số hội nhóm, các tin nhắn về trẻ em được quan tâm cao. Nhiều tin nhắn với nội dung: “Bác nào có … trẻ em k”, “Có video của trẻ em hok mn”, “Ai có nhóm có phim trẻ em mình xin với ạ”, “Ai có phim trẻ em không”, “Xin clip lớp 6”, “Ai có link hai chị em cho xin nhờ”…
Nhiều người còn rao tìm mua video nhạy cảm liên quan trẻ em.
Trong nhóm “Nông dân chém gió" trên mạng xã hội Telegram, một tài khoản tên “Nguyễn Đình Hoàn” rao bán clip nhạy cảm liên quan trẻ em với lời nhắn: “... trẻ em ai quan tâm ib”.
Cũng trong nhóm này, tài khoản tên “Kết Lại” tiếp thị “Em có full clip loli trẻ em, anh em nào cần inbox mình”.
Tài khoản tên “Tuyến” thì quảng cáo: “List trẻ em... hiện có gần 1000 clip; quay lén giá 150 nghìn với hơn 5.800 clip”…
Liên hệ thử với một số tài khoản rao bán nội dung khiêu dâm có yếu tố trẻ em, PV xác định các tài khoản Telegram người Việt thu thập có nội dung khiêu dâm ở nhiều thể loại, trong đó có trẻ em, rồi gom vào tập tin trên các nền tảng lưu trữ đám mây.
Sau đó, khi có người có nhu cầu tìm mua, những người này yêu cầu chuyển khoản. Nhận được tiền, người mua sẽ được cung cấp cho một đường link để truy cập vào kho dữ liệu chứa hàng ngàn clip có nội dung nhạy cảm về trẻ em.
4000 clip giá 50.000 đồng
Chúng tôi thử liên hệ tài khoản tên “Kết Lại”, người này cho biết bán clip trẻ em với giá 50.000 đồng cho 4.000 video!
Người này cho hay trong số 4.000 video đó, có nhiều thể loại, trẻ em chỉ là một phần trong tập tin. “Đây là file mega, vĩnh viễn”, tài khoản này cho hay và gửi số tài khoản yêu cầu chuyển tiền để được cung cấp đường link dẫn vào nội dung.
Trong nhóm tên “Nhóm học tập”, khi chúng tôi liên hệ thì chủ tài khoản dẫn đến trao đổi với người có tên “Admin list VIP”. Người này quảng cáo: Có 290 clip nhạy cảm liên quan trẻ em, nếu mua cả hai loại clip giảm giá còn 290.000 đồng, tặng thêm 100 clip, tặng nhóm quay lén và kèm 17 nhóm video khiêu dâm!
Khi PV hỏi về chi tiết clip, tài khoản “Admin list VIP” gửi cho một đường dẫn để người mua vào xem trước. Tại đây, có ba clip mà các bé gái khoảng 10 tuổi là "nhân vật chính" với hình ảnh không che, để lộ toàn bộ ngoại hình, khuôn mặt của các bé.
Người bán cho biết, nếu đồng ý mua thì chuyển khoản vào số tài khoản tên “Do Van Hien” của Ngân hàng S với nội dung “chuyen tien 290 s62726”.
Dấu hiệu của nhiều tội danh
Theo Thạc sĩ – Luật sư (ThS-LS) Phùng Văn Hiệu, Đoàn LS tỉnh Bình Dương, hành vi như phản ánh có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Về bản chất, hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất “ăn chơi” đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi ý thức thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống không lành mạnh.
Người phạm tội có các hành vi như làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy.
Việc xác định các vật phẩm đã nêu có tính chất đồi trụy hay không, nhất định phải do cơ quan chuyên môn (cơ quan văn hóa) hoặc hội đồng có chứng năng giám định kết luận.
Chủ thể của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là chủ thể thường, thỏa mãn điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên).
Người phạm tội này thực hiện hành vi dưới lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là nhằm phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy cho người khác với nhiều động cơ khác nhau và người phạm tội có thể phải đối mặt với mức hình phạt tù tối đa lên đến 15 năm.
Cũng theo ThS-LS Phùng Văn Hiệu, những người ghi lại hình ảnh khiêu dâm của trẻ em còn có thể phạm tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, theo Điều 147 BLHS.
Điều 147 BLHS quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Khái niệm “trình diễn khiêu dâm” và “trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm” đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 06/2019 ngày 1-10-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Theo đó, “trình diễn khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.
Còn “trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm” là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Người thực hiện hành vi và thỏa mãn dấu hiệu định tội trong trường hợp này có thể phải chịu mức phạt tù lên đến 12 năm.
Theo quy định, hành vi xem, chia sẻ các clip đồi trụy về trẻ em mà không liên quan đến mua bán cũng có thể bị xử phạt nghiêm khắc.
Cụ thể, theo khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 14/2022) thì người chia sẻ đường link có nội dung đồi trụy trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 5-10 triệu đồng và buộc gỡ bỏ đường link này.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ hành vi và định lượng về dữ liệu được số hóa, số lượng hình ảnh, video được phát tán, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội danh theo Điều 326 BLHS.
Nếu người vi phạm nhắm tới mục đích hạ bệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, theo Điều 155 BLHS.
Đâu là giải pháp?
Theo ThS-LS Phùng Văn Hiệu, để hạn chế và ngăn chặn vấn nạn mua bán video khiêu dâm trẻ em đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhiều biện pháp pháp lý và công nghệ.
Thứ nhất, cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với tội phạm liên quan đến sản xuất, phân phối và tàng trữ nội dung khiêu dâm trẻ em.
Thứ hai, cần ký kết và thực hiện các hiệp ước quốc tế nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong việc truy bắt và xét xử tội phạm liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em.
Thứ ba, xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin nhanh chóng và hiệu quả giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn cầu để theo dõi và bắt giữ tội phạm.
Thứ tư, sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo để phát hiện và chặn các nội dung khiêu dâm trẻ em trên mạng. Các công ty công nghệ lớn nên được yêu cầu hợp tác và triển khai các biện pháp này.
Cần thành lập các đơn vị chuyên trách về giám sát và điều tra các hoạt động tội phạm trên mạng, đặc biệt tập trung vào các nền tảng chia sẻ video và mạng xã hội.
Thứ năm, triển khai các chương trình giáo dục cho trẻ em, phụ huynh và giáo viên về những nguy cơ và cách bảo vệ trẻ em khỏi nạn lạm dụng tình dục trực tuyến. Tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc báo cáo các hành vi nghi ngờ và hỗ trợ các nạn nhân của loại tội phạm này.
Thứ sáu, phát triển các chương trình hỗ trợ tâm lý và pháp lý cho trẻ em bị lạm dụng tình dục, bao gồm việc cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ phục hồi.
Cần bảo vệ danh tính nạn nhân, đảm bảo các biện pháp bảo vệ danh tính cho nạn nhân khi họ tham gia vào quá trình điều tra và xét xử.
"Các biện pháp trên cần được thực hiện đồng bộ và liên tục để đạt hiệu quả cao nhất trong việc hạn chế và ngăn chặn vấn nạn mua bán video khiêu dâm trẻ em", ThS-LS Phùng Văn Hiệu nêu quan điểm.
Theo Thạc sĩ Lưu Đức Quang, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, hành vi chia sẻ hay mua bán video khiêu dâm trẻ em tiểm ẩn nguy cơ cao dẫn đến các loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em như: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm…
“Điều đáng tiếc là mức hình phạt hết sức nghiêm khắc lên đến tù chung thân hoặc tử hình đối với kẻ thủ ác trong rất nhiều vụ án dường như chỉ là sự trừng phạt khi sự đã rồi. Để không còn là quá muộn với tương lai của mỗi đứa trẻ và cũng chính là tương lai đất nước, cả xã hội phải đẩy mạnh truyền thông cho mọi giới, mọi nhà những biểu hiện và phương thức phòng chống xâm hại tình dục trẻ em một cách trực diện nhất có thể.
Một khi biết đủ và hiểu đúng, chúng ta mới có thể mạnh dạn vượt qua nhiều rào cản tâm lý xã hội cũng như truyền thống trên con đường loại bỏ tệ nạn này khỏi cộng đồng văn minh.”, ThS Lưu Đức Quang bày tỏ.
Bắt cóc trẻ em để quay clip khiêu dâm
Ngày 12-4, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi; ngụ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Cơ quan điều tra xác định Vi móc nối với một người nước ngoài, tìm trẻ em từ 6-12 tuổi, dùng thủ đoạn để đưa các cháu về nơi Vi ở, ép buộc các cháu thực hiện một số hành động có tính chất khiêu dâm để Vi quay phim, chụp ảnh gửi cho người nước ngoài để trục lợi.
Ngày 3-4, lợi dụng lúc không có người lớn trông coi, Vi đã tiếp cận, dẫn dụ cháu M (7 tuổi) và cháu L (3 tuổi) để đưa về căn hộ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM (nơi Vi đang sinh sống) và ép buộc hai cháu thực hiện theo ý đồ của mình.
Ngày 8-4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Quận 1 và các đơn vị có liên quan đã giải cứu hai cháu, trao trả cho gia đình, đồng thời bắt giữ Vi để đấu tranh, làm rõ.