Tờ South China Morning Post ngày 10-8 đưa tin Nhật Bản tuyên bố lực lượng phòng vệ nước này hiện ở trong trạng thái "sẵn sàng" đáp trả mọi hành động xâm phạm lãnh hải của tàu cá Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Tờ Sankei (Nhật Bản) đưa tin Bắc Kinh thông báo với Tokyo rằng lệnh cấm tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Hoa Đông sẽ hết hiệu lực vào ngày 16-8. Bắc Kinh cũng đã củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với các đảo và vùng biển xung quanh, nhấn mạnh Nhật Bản không có quyền yêu cầu các tàu cá Trung Quốc dừng hoạt động tại đây.
Đáp trả vấn đề này, trong cuộc họp báo vào ngày 4-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã sẵn sàng ứng phó.
Tuy nhiên, ông Taro từ chối cung cấp thêm thông tin khi được hỏi về những đơn vị chiến đấu và hành động chi tiết của Nhật Bản nhằm đối phó Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono. Ảnh: KYODO
Theo Sankei, một quan chức chính phủ cấp cao Nhật Bản cũng lên án rằng cảnh báo của Bắc Kinh "mang ý định trả thù và là một động thái chiến lược được lên kế hoạch kỹ càng nhằm biện minh cho những hành động khiêu khích sau khi lệnh cấm đánh bắt cá kết thúc”.
Ông Garren Mulloy - giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Daito Bunkyo - cho rằng Trung Quốc, với lực lượng tuần duyên và hải quân lớn mạnh hơn Nhật Bản ở nhiều mặt, nhận thức được những hạn chế và đang thăm dò những điểm yếu của Nhật Bản để "thay thế lực lượng tuần duyên Nhật Bản ở biển Hoa Đông về khả năng kiểm soát và bảo vệ các tàu đánh cá quốc tế".
Ông Mulloy dự đoán Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) sẽ sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu nào, nhưng vẫn giữ nguyên khoảng cách 180 km với các tàu cá Trung Quốc để tránh các cuộc tiếp xúc trực diện.
Ngoài ra, MSDF có thể sử dụng máy bay tuần tra tiên tiến để theo dõi cả tàu nổi và tàu ngầm phía địch hoạt động trong khu vực để đưa ra cảnh báo sớm cho các đơn vị mặt nước của Nhật Bản.
Ông Akitoshi Miyashita - giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc tế Tokyo - cho rằng mặc dù Nhật Bản có thể giám sát mọi cuộc xâm nhập từ tàu nước ngoài, khả năng buộc các tàu rời khỏi lãnh hải Nhật Bản vẫn còn hạn chế.
Ông Miyashita thúc giục Nhật Bản áp dụng một lập trường không khoan nhượng đối với Trung Quốc. "Nhiều người tin chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cần phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh” - ông nói.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TÂN HOA XÃ
“Chúng ta không thể hành động nhiều về mặt quân sự, vì vậy có lẽ điều quan trọng nhất sẽ là thể hiện sự kiên cường để chứng tỏ Nhật Bản đang đứng vững trên mọi mặt trận với chính phủ Trung Quốc" - ông Miyashita nhấn mạnh.
Trong vòng 18 tháng qua, các tàu tuần duyên của Trung Quốc không ngừng gây áp lực trong lãnh hải của Nhật Bản, liên tục xâm nhập vùng biển hoặc vùng tiếp giáp quanh quần đảo Senkaku - hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư - và phớt lờ yêu cầu rời đi.
Gần đây, các tàu Trung Quốc đã hiện diện trong khu vực biển Nhật Bản, đạt kỷ lục 111 ngày liên tục trước khi rời đi do có bão.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục cho phép hoặc khuyến khích các tàu cá hoạt động gần quần đảo trên, tình hình căng thẳng tại đây sẽ leo thang đáng kể sau một khoảng thời gian dài yên ắng.