Kênh Channel News Asia (CNA) hôm 18-2 đã đăng bài mô tả cuộc sống của những du học sinh Indonesia được sơ tán khỏi Trung Quốc do dịch COVID-19 trong 14 ngày cách ly tại đảo Natuna.
Zakia Ayu Alvita Abidin Putri, một trong 237 người nằm trong đoàn cách ly đã kể về trải nghiệm 14 ngày bị cách ly tại đảo Natuna. Cô là du học sinh của Trường Đại học Bách khoa Hồ Bắc tại TP Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Hầu hết những người trong đoàn cách ly là những du học sinh này đang trong kỳ nghỉ của mình vào thời điểm chính quyền Trung Quốc ban bố lệnh cách ly thành phố Vũ Hán ngày 23-1 vì bùng phát dịch COVID-19.
Số còn lại là thành viên một phi hành đoàn của hãng hàng không Batik Air và nhân viên văn phòng người Indonesia.
Putri đã học tại Đại học Bách khoa Hồ Bắc ở TT Hoàng Thạch được bốn năm.
Ảnh: ABIDIN PUTRI
Trả lời phỏng vấn với CNA, Putri cho biết cô và những người trong đoàn ban đầu không cảm thấy quá lo lắng vì nghĩ rằng việc cách ly sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày.
Nhưng sau sáu ngày, khi các thông tin về dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn, cha mẹ của Putri tại Indonesia bắt đầu hỏi thăm tình hình sức khỏe của cô, Putri trở nên hơi mất bình tĩnh.
Cô cho biết trên nhóm chat của những du học sinh Indonesia tại tỉnh Hồ Bắc, một số người cũng bắt đầu lo sợ vì dịch bệnh COVID-19.
May mắn là họ đã được Đại sứ quán Indonesia tại Trung Quốc sơ tán khỏi tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch COVID-19. Putri cùng những người trong đoàn được đưa về đảo Natuna (Indonesia) cách ly 14 ngày để kiểm tra các triệu chứng của bệnh.
Kiểm tra sức khỏe "mọi lúc mọi nơi"
Ngay khi xuống máy bay tại đảo Natuna, những người này được kiểm tra nhiệt độ, đo huyết áp và kiểm tra các triệu chứng khác liên quan đến bệnh COVID-19.
Nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19, các hành khách sẽ được kiểm tra sâu hơn để chuẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của mình. Putri cho biết không có ai trong đoàn sơ tán có triệu chứng nhiễm COVID-19 trong đợt cách ly 14 ngày tại Natuna.
Nhân viên y tế chuẩn bị đưa đoàn người Indonesia đến căn cứ quân sự trên đảo Natuna để cách ly, tại sân bay Hang Nadim ở quần đảo Riau (Indonesia).
Ảnh: REUTERS
Kể về 14 ngày cách ly của mình với CNA, Putri cho biết bộ phận y tế kiểm tra nhiệt độ của họ hai lần/ngày (vào buổi sáng và tối), đo huyết áp bốn lần/ngày.
Đặc biệt, ngoài các bác sĩ y tế, tại nơi cách ly còn có các bác sĩ tâm lý hỗ trợ đoàn trong thời gian họ ở đảo Natuna. Khu vực cấp cứu đặc biệt và phòng cách ly cũng được trang bị đầy đủ tại đây.
Putri cho biết do nguồn nước bị ô nhiễm, một số người bị tiêu chảy nhưng đã hồi phục sau khi uống thuốc được cấp.
Putri đã tả lại nơi ở của mình trong 14 ngày tại đây. Cứ 20 người ở chung một lều, các lều được trang bị điều hòa không khí, tivi và như giường ngủ riêng cho mỗi người.
Khi hình ảnh về không gian sinh hoạt của những người được cách ly lan truyền trên mạng, có nhiều mối lo ngại liệu khoảng cách tiếp xúc gần như vậy có đủ an toàn cho những người được cách ly.
Người dân sống trên đảo Natuna cũng lo lắng về điều này khi nhìn thấy khu vực cách ly.
Tuy nhiên, Putri cho biết việc tiếp xúc gần không khiến cô và những người khác trong đoàn bận tâm vì họ có cơ hội được kết thêm bạn mới.
Giữ vững tinh thần bằng các hoạt động cộng đồng
Putri đã vui vẻ kể về thời gian sinh hoạt chung với những người bạn mới của mình tại đảo Natuna. Cô cho biết ở đây có mọi sự hỗ trợ giúp họ không cảm thấy bị cô lập. Họ có thể chơi thể thao, tổ chức văn nghệ cùng nhau và luôn có thời gian vui vẻ.
Thời gian biểu một ngày của những người được cách ly được Putri kể lại rất chi tiết.
Một ngày sẽ bắt đầu với một buổi cầu nguyện của những người thuộc Hồi giáo vào sáng sớm. Sau đó là hoạt động thể dục nhịp điệu trước khi đến giờ ăn sáng.
Những người Indonesia được cách ly trong 14 ngày trên đảo Natuna.
Ảnh: ABIDIN PUTRI
Sau khi kiểm tra sức khỏe là thời gian ăn nhẹ. Sau đó, những người trong đoàn sẽ có thời gian cho hoạt động cá nhân.
Hầu hết du học sinh chọn học. Một số nghiên cứu về luận án của họ, một số học trực tuyến.
Buổi chiều cũng sẽ có hoạt động tập thể dục nhịp điệu và kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
Họ còn được tư vấn tâm lý hằng ngày với một nhà tâm lý học. "Tuy nhiên không phải lúc nào cũng để trút bầu tâm sự" - Putri hài hước kể lại.
Những hoạt động như chơi game cùng nhau cũng mang lại niềm vui cho nhiều người. Các nhân viên quân đội và các bác sĩ thỉnh thoảng cũng tham gia cùng những người trong đoàn, người chiến thắng sẽ nhận được đồ ăn nhẹ.
Putri nhấn mạnh nhiều lần trong lúc kể chuyện rằng các hoạt động tập thể đã giữ tinh thần cho đoàn rất nhiều.
Không khí trong lành và sự thân thiện của các bác sĩ cũng như nhân viên quân đội đã khiến 14 ngày cách ly của Putri tại đảo Natuna rất vui vẻ.
Có những tình cảm đã được xây dựng ở đây, Putri cho biết ngày chia tay của họ rất xúc động.
Quá trình cách ly kết thúc vào ngày 15-2, sau đó đoàn đã được đưa về thủ đô Jakarta để trở về nhà của họ.