RT ngày 25-4 đưa tin Hàn Quốc đã công bố ảnh các món tráng miệng họ dự kiến chiêu đãi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 27-4. Trong đó có chiếc bánh mousse xoài được trang trí với miếng chocolate có in hình bản đồ màu xanh tượng trưng cho bán đảo Triều Tiên thống nhất, bao gồm cả đảo Dokdo ở phía Đông.
Món bánh tráng miệng mousse xoài mà Hàn Quốc dự định thiết đãi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: RT
Hàn Quốc hiện quản lý đảo này và gọi nó là Dokdo trong khi Nhật cũng tuyên bố chủ quyền, gọi nó là Takeshima. Tranh chấp về Dokdo/Takeshima là một trong các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước sau Thế chiến II.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã lên tiếng phản đối quyết định lựa chọn món bánh này vào thực đơn của Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Nhật gọi động thái này là “cực kỳ đáng tiếc”, yêu cầu Seoul không chiêu đãi món này.
“Nhìn từ quan điểm quốc gia của chúng tôi, chúng tôi không thể chấp nhận điều này” - ông Kenji Kanasugi, quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản, phát biểu về món bánh mousse xoài, tạp chí Asahi trích lời.
Tokyo trước đó cũng thể hiện sự bực bội về việc sử dụng một lá cờ có thiết kế tương tự trong Thế vận hội mùa Đông PyeongChang diễn ra tại Hàn Quốc hồi tháng 2.
“Việc vẽ đảo Takeshima cũng đã là một vấn đề trong kỳ Thế vận hội Mùa đông PyeongChang nhưng một hội nghị thượng đỉnh thì phải khác biệt với thế vận hội” - ông Kanasugi lập luận.
Cuộc thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 27-4, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự DMZ, cách Seoul 53 km về phía Bắc. Thời gian và địa điểm đối thoại đã được hai bên thống nhất tại một cuộc họp đột phá hôm 29-3.
Đối thoại ở mức độ như vậy đánh dấu cuộc gặp thứ ba giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sau chiến tranh liên Triều. Trong hai cuộc gặp trước đó diễn ra vào năm 2000 và 2007, hai bên đều đưa vấn đề kinh tế và chính trị lên bàn nghị sự.
Trong chiếc bánh còn có một dấu chấm tượng trưng cho hòn đảo mà Hàn Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền. Ảnh: RT
Lần này, chương trình hạt nhân của Triều Tiên dự kiến là chủ đề lớn được đem ra bàn thảo giữa ông Moon và ông Kim. Bên cạnh vấn đề giải trừ hạt nhân, Tổng thống Moon dự kiến nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt giữ cách đây vài thập niên và chưa từng cho phép họ hồi hương.
Liền ngay sau hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều tại Bàn Môn Điếm là cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Ông Trump phát đi tín hiệu rằng phía Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp, rằng Bình Nhưỡng đồng ý chấm dứt thử hạt nhân trước và trong thời gian diễn ra đối thoại.
Triều Tiên nhiều lần hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc, những bên ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao để xử lý khủng hoảng. Nga và Trung Quốc cũng đã đưa ra sáng kiến chung “đóng băng gấp đôi”, mục đích tìm cách đình chỉ đồng thời các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và tập trận quân sự chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Triều Tiên trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình mà chỉ tuyên bố tạm đình chiến vào năm 1953.