Đây là quy định được đặt ra đối với Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2. Trong tuyên bố ngày thứ 3 (1-7), đại diện chính phủ cho biết Thủ tướng đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm đã từng ngăn quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài. Đây là một chiến thắng chính trị quan trọng trong chính sách mới của thủ tướng Abe; đồng thời là biểu hiện cho thấy tình hình đã chuyển biến, chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến sẽ được hiểu theo một cách khác.
Thủ tướng Abe nói: “Hành động này chỉ nhằm bảo vệ tốt hơn cho an ninh quốc gia của Nhật Bản, đồng thời bảo vệ hòa bình trên toàn thế giới.Ví dụ, các tàu chiến của Nhật có thể giúp bảo vệ các tàu chiến của Mỹ đã từng chiến đấu vì Nhật Bản”.
Binh lính Nhật trong một cuộc tập trận
Sự thay đổi này sẽ cho phép quân đội Nhật có những phương án quân sự của mình trong các cuộc chiến xảy ra ở quốc gia khác trong phạm vi được gọi là "tự vệ tập thể", nhằm hỗ trợ nước bạn khi xảy ra tấn công vũ trang. “Trạng thái hòa bình của Nhật Bản là không thay đổi”, thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Takeshi Iwaya, một nhà lập pháp cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đóng một vai trò chủ động hơn trong hợp tác với các nước, nhằm thiết lập khuôn khổ để bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực".
Chính phủ cũng khẳng định đây là hành động cần thiết vì một cuộc sống hạnh phúc hơn cho người Nhật. Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Bên ngoài tòa nhà chính phủ, khoảng 2000 người dân đã biểu tình để phản đối điều khoản thay đổi này. Người dân cho rằng muốn thay đổi hiến pháp phải thông qua sự trưng cầu dân ý, chứ không đơn giản là một lệnh ban bố từ chính phủ.
Người dân phản đối trước tòa nhà chính phủ. Ảnh: AP
Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra lời phản đối tuyên bố này: “Bắc Kinh phản đối hành động Nhật Bản thổi phồng những mối đe dọa từ Trung Quốc. Hành động này của ông Abe sẽ đặt ra nghi ngờ về quan điểm của Nhật Bản trước hòa bình thế giới”.
An Khương (Theo Reuters)