Nhiều thương hiệu tivi nổi tiếng biến mất tại thị trường Việt

Thương hiệu tivi Panasonic và VinSmart vừa quyết định dừng cuộc chơi tivi trên thị trường Việt Nam. Trước đó, nhiều thương hiệu tivi đình đám của Nhật từng một thời gây dấu ấn tốt với người tiêu dùng Việt cũng dần rút khỏi quầy kệ các cửa hàng điện máy, nhường sân chơi cho hai đối thủ lớn là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Rút lui

Luôn có ấn tượng rất tốt với những chiếc tivi Nhật về độ sắc nét và chất lượng, chị Thu Hồng (quận 3, TP.HCM) tính tìm một chiếc tivi thương hiệu Nhật để thay thế chiếc tivi đã cũ tại phòng khách. Nhưng sau một vòng dạo quanh các siêu thị điện máy, cuối cùng chị chọn chiếc tivi của một hãng Hàn Quốc.

“Chỉ còn mỗi Sony là đúng chất thương hiệu Nhật hiện diện trên quầy kệ nhưng chiếc tivi đời mới nhất giá lại quá cao. Trong khi đó cùng công nghệ, tivi của các thương hiệu Hàn Quốc kiểu dáng hết sức bắt mắt mà giá cả lại hợp túi tiền” - chị Hồng nói lý do không lựa chọn tivi thương hiệu Nhật như ý định ban đầu.

Thực tế, chị Thu Hồng không biết rằng nhiều thương hiệu tivi Nhật đã “phất cờ trắng” trước những đối thủ mới gia nhập thị trường nhưng đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu khách hàng cũng như khả năng vượt trội về công nghệ mới. Đây cũng từng là những yếu tố làm nên tên tuổi của các thương hiệu tivi Nhật một thời nhưng giờ đây đã bị bỏ lại đằng sau.

Hiện một vài siêu thị điện máy vẫn còn bán tivi thương hiệu Toshiba, Panasonic, Sharp… nhưng số lượng rất ít với mẫu mã rất hạn chế. Đáng chú ý, mới đây nhất, Panasonic - hãng điện tử lớn của Nhật đã phải chấm dứt mảng kinh doanh tivi tại Việt Nam do thua lỗ.

Riêng năm 2019, mảng tivi của Panasonic lỗ hơn 92 triệu USD, sau đó có lãi lại trong năm tài chính 2020 nhờ nhu cầu mua tivi của người tiêu dùng Việt Nam tăng mạnh trong đại dịch. Dù vậy, hoạt động kinh doanh tivi của Panasonic vẫn gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc. Toshiba cũng xúc tiến thương lượng để bán lại thương hiệu tivi tại một số thị trường.

Tập đoàn Vingroup cũng vừa tuyên bố sẽ dừng sản xuất tivi, điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và tập trung nguồn lực cho ô tô VinFast. “Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng” - ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, giải thích về quyết định ngừng thương hiệu tivi VinSmart.

Gần đây, người tiêu dùng ít thấy những dòng tivi đình đám một thời như Toshiba, Panasonic, Sharp… bày bán tại Việt Nam. Ảnh: PM

Cuộc chiến sống còn

Nói về việc rút lui của các ông lớn trong lĩnh vực tivi, TS Burkhard Schrage, ĐH RMIT Việt Nam, phân tích: Sự vượt mặt của Hàn Quốc khi nắm thị phần lớn tivi ở cấp độ toàn cầu lẫn Việt Nam trước Nhật khá tương đồng trong lĩnh vực ô tô. Theo đó, lợi thế về công nghệ và sản xuất của các công ty ô tô Nhật Bản đã bị các công ty Hàn Quốc bắt kịp trong hơn 30 năm qua.

Các nhà sản xuất tivi hàng đầu của Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ màn hình phẳng. Cuộc cách mạng công nghệ này còn giúp người Hàn Quốc chiến thắng trong lĩnh vực cung cấp màn hình cho máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng.

Mặt khác, do sản xuất màn hình phẳng ở cấp độ quy mô lớn nên Hàn Quốc vượt qua Nhật trong cạnh tranh về giá. Điều này dẫn đến các hãng tivi Nhật không còn ưu thế trên thị trường Việt Nam và một số nước khác.

Theo vị chuyên gia ĐH RMIT Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh tivi đang trở nên cạnh tranh khốc liệt như ngành hàng tiêu dùng nhanh. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn tivi theo hướng có giá tốt nhất vì giờ đây họ mặc định các tivi đều có tính năng tương đồng. Giá cả là yếu tố then chốt nhưng phải có sự hỗ trợ thêm từ mạng lưới bán lẻ rộng khắp và các dịch vụ sau bán hàng mạnh mẽ mới có thể giành chiến thắng trên thị trường.

“Đó là lý do tại sao thị phần lớn lại quan trọng. Nếu không có khả năng bán hàng chục triệu tivi mỗi năm, các nhà sản xuất không thể thực hiện lợi thế quy mô. Các nhà sản xuất Nhật Bản và Việt Nam chủ yếu gặp khó khăn do thiếu quy mô hơn là thiếu năng lực công nghệ. Chẳng hạn, thị phần tivi toàn cầu của Panasonic chỉ 1,8%, thấp hơn rất nhiều so với Samsung đang chiếm 32% thị phần” - TS Burkhard Schrage nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế phân tích rằng người mua tivi đang chia thành hai loại. Đầu tiên là người thích trải nghiệm các tính năng cao cấp và công nghệ mới nhất trên tivi. Những người này sẵn sàng trả tiền cao để hưởng thụ những cái mới. Ở phân khúc này, Samsung đang dẫn đầu thế giới về năng lực nghiên cứu và đưa ra những sáng tạo hàng đầu chứ không phải các hãng Nhật.

Phân khúc khách hàng thứ hai là mua tivi theo cách đúng nghĩa để xem mà không bận tâm quá nhiều những công nghệ mới nhất. Đối tượng khách hàng này chỉ thích giá rẻ và các hãng Trung Quốc và Hàn Quốc làm tốt điều này, trong khi Nhật thường không quan tâm nhiều đến phân khúc giá rẻ. Thậm chí, các hãng Trung Quốc đã làm được tivi có thể cuộn màn hình như cách LG làm đầu tiên trên thế giới.

“Tại Việt Nam, thách thức quan trọng đối với các nhà sản xuất trong ngành tivi nói riêng và ngành điện tử tiêu dùng nói chung là giải quyết các yêu cầu cạnh tranh. Thứ nhất, họ cần tập trung vào chi phí sản xuất thấp thông qua quy mô, chuyên môn hóa và tự động hóa. Thứ hai là mức độ nhanh nhạy cao trong sản xuất và cuối cùng cần có khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Những thử thách này thật khó khăn nhưng phần thưởng sẽ rất lớn” - vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Tivi màn hình khủng đang lên ngôi

Theo Viện Nghiên cứu thị trường GfK, tính đến quý III-2020, Samsung, Sony và LG nắm hơn 88% thị phần tivi tại thị trường Việt Nam. Trong đó, Samsung chiếm đến 44,7% thị phần, còn Sony dù giữ vị trí thứ hai với 25,9% nhưng đang mất dần thị phần vì sụt giảm đến 6,7% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, LG đang gây sức ép cho Sony với thị phần đuổi sát là 17,6%. Tại cấp độ toàn cầu, ba hãng tivi này cũng nắm gần như toàn bộ thị trường.

Với thị phần rất nhỏ còn lại dành cho các thương hiệu tivi khác của các hãng Nhật, Trung Quốc nên không quá khó hiểu khi nhiều hãng tivi nổi tiếng phải từ bỏ mảng kinh doanh này. Đáng chú ý năm 2018, hãng Toshiba gặp khó khăn đã phải bán công ty con trong lĩnh vực sản phẩm hình ảnh và tivi cho nhà sản xuất điện tử Trung Quốc Hisense Group. Cũng trong năm này, Hitachi đã chấm dứt sản xuất và ngừng bán mảng tivi.

Báo cáo của hãng nghiên cứu GfK cũng cho hay thị trường tivi màn hình lớn từ 55 inch trở lên có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 9-2020, người tiêu dùng Việt Nam mua 919.300 chiếc tivi ở phân khúc này, tăng 29% so với năm 2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm