Nhìn và nghe dân nói biết họ "bị" lãnh đạo

Nhóm của Cúc thực hiện khảo sát tại bốn tỉnh: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Hải Dương. Sau đó, Cúc cũng là người đóng góp nhiều nhận xét cho nhóm nghiên cứu PAPI, được đánh giá cao.

Bức xúc thì nhiệt tình, hiểu biết lại thờ ơ !

. Phóng viên: Bạn có gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận người dân để khảo sát?

+ Đinh Thị Cúc: Cũng có nơi, có lúc khó. Nhìn chung, ở nông thôn dễ tiếp xúc với người dân hơn TP. Ở TP, thường người ta bận, ban ngày đi làm cả, nên chỉ có thể gặp họ buổi tối. Người nông thôn thì nhàn hơn, chỉ bận lúc có vụ mùa thôi; nhưng nói là phải đi họp thì họ cũng ngài ngại. Có những người dân không muốn đi họp, họ nghĩ đi họp chắc là để nghe tuyên truyền gì đây.

. Có trường hợp nào khó tiếp xúc không phải vì lý do bận mà vì lý do khác không?

+ Đa số do bận. Nhưng tôi nhớ có một trường hợp ở Quảng Ninh. Người được mời tham gia khảo sát là một người làm công tác pháp luật, anh ấy kêu bận và khi chúng tôi nhờ tổ trưởng dân phố mời giúp thì lần nào anh ấy cũng không đến. Sau đó tôi phải tới tận nhà anh để xin phép phỏng vấn thì anh ấy bảo: “Thôi, mấy cái điều tra kiểu này, anh cũng từng làm nhiều lắm rồi, em thích điền thế nào thì cứ điền”. Tôi nói tôi không được phép làm như vậy, chỉ xin anh ít phút thôi, anh ấy lại bảo: “Thế thì đưa phiếu đây, anh tick (đánh dấu) luôn cho nhanh”.

Tôi nghĩ có những người như anh ấy, họ hiểu biết về pháp luật, họ cũng không tin tưởng lắm và họ nghĩ điều tra PAPI thì cũng như các cuộc điều tra xã hội học khác. Họ không thấy tầm quan trọng của nó, không nghĩ nó thay đổi được gì, cho nên họ thờ ơ với việc trả lời câu hỏi khảo sát.

Thấy chính quyền là ngại... trả lời

. Còn những người nhiệt tình trả lời phỏng vấn thì như thế nào?

+ Những người nhiệt tình tham gia nhất là những người đang bức xúc nhất. Ví dụ ở Vĩnh Phúc, nơi tập trung nhiều vụ khiếu kiện về đất đai. Chúng tôi đến gặp, mới đầu người dân còn chửi cơ, họ cứ tưởng chúng tôi là cán bộ của Trung ương về dàn xếp tình hình.

Khi được biết rõ mục đích làm việc rồi thì họ khác hẳn. Trong bản khảo sát, tất cả câu hỏi liên quan đến quy hoạch đất đai, họ đều trả lời nhiệt tình lắm, như thể họ muốn trút bức xúc lên mình vậy. Họ bức xúc, họ nói nhiều đến mức có lúc mình phải ngắt lời để quay về câu hỏi chính.

. Ở bốn tỉnh bạn đến, bạn cảm nhận có sự khác biệt trong quan hệ chính quyền-nhân dân không?

+ Có chứ. Tôi thấy ở Quảng Ninh, người dân trả lời phỏng vấn khá thoải mái, không bị gò ép, kể cả những gì có thể là nhạy cảm. Trong khi đó, có những nơi người ta ngại tiếp xúc với đoàn khảo sát lắm, nhất là khi mình đi cùng người của Mặt trận Tổ quốc, UBND… Dân họ chưa cần biết cuộc khảo sát là do cơ quan nào tổ chức nhưng cứ thấy người bên chính quyền đi cùng là họ ngại phát biểu. Ở một tỉnh nọ, tôi còn nghe nói có cán bộ phường đi xe Audi Q6. Tôi không kiểm chứng được nhưng nếu đúng như thế thì khoảng cách giữa chính quyền và dân ở đó còn rất lớn.

Chưa hiểu rõ về “minh bạch”

. Ở bốn địa phương bạn đến, bạn thấy người dân hiểu như thế nào về các khái niệm “minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”, “chống tham nhũng”, “dân chủ”…?

+ Tôi thấy họ hiểu không rõ ràng lắm, mà đó cũng chưa phải cái họ quan tâm nhiều. Vấn đề gì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của họ thì họ quan tâm. Chẳng hạn, hỏi họ rằng chính quyền xã có công khai thu chi ngân sách không thì họ không để ý lắm, nói chung họ thấy biết cũng được mà không biết cũng được. Thế nhưng hỏi họ giá đền bù đất đai có thỏa đáng không thì họ lại rất quan tâm. Họ luôn muốn biết mình được lợi hay gặp bất lợi từ một chính sách cụ thể nào đó.

. Họ có quan tâm đến chuyện bầu cử, nhân sự lãnh đạo không?

+ Khá thờ ơ. Họ nghĩ là có những người được cơ cấu sẵn rồi. Nhiều người cũng bảo là họ không đi bỏ phiếu, nhà có người đi bầu hộ.

. Còn chuyện chất lượng dịch vụ công?

Tôi thấy ở Quảng Ninh, người dân trả lời phỏng vấn khá thoải mái, không bị gò ép, kể cả những gì có thể là nhạy cảm. Trong khi đó, có những nơi người ta ngại tiếp xúc với đoàn khảo sát lắm, nhất là khi mình đi cùng người của Mặt trận Tổ quốc, UBND…

Đinh Thị Cúc

+ Vẫn là cái gì có liên quan trực tiếp đến họ. Ví dụ câu hỏi “Để được nhận vào làm một số vị trí công tác ở xã/phường thì mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền quan trọng như thế nào? Rất quan trọng, quan trọng, không quan trọng lắm, hay không quan trọng chút nào?”, hoặc “Trong một năm qua, ông/bà hay người thân trong gia đình đã bị ảnh hưởng bởi một hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền địa phương? Xin ông/bà nghĩ tới tất cả các dạng tham nhũng, từ những việc nhỏ như phải hối lộ một công an giao thông tới những việc lớn như trả hoa hồng cho cán bộ, công chức để có được hợp đồng thầu với Nhà nước”. Với những câu hỏi ấy, người dân họ quan tâm và họ trả lời thẳng thắn lắm.

. Như vậy, liệu tôi có thể sơ bộ kết luận là người dân hiện nay quan tâm đến lợi ích thiết thân của họ, còn những khái niệm như “minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”… thì còn xa vời, họ chưa đòi hỏi?

+ Bao giờ người ta cũng phải bắt đầu từ lợi ích thiết thân trước. Lợi ích là cái tạo động lực mạnh mẽ cho người dân. Bị xâm phạm lợi ích về đất đai chẳng hạn, cũng là điều kiện thúc đẩy họ tìm hiểu pháp luật về đất đai. Dần dần, dân trí và dân chủ sẽ được mở rộng theo đó, cho dù lúc đầu có thể là hơi bị động một chút. Và trong quá trình mở rộng dân trí, dân chủ thì sự quan tâm của họ cũng sẽ vươn đến những thứ không liên quan trực tiếp đến họ. Tôi thấy xã hội đang vận động theo hướng đó. Những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang chẳng hạn, có những cá nhân chẳng có quyền lợi liên quan trực tiếp gì nhưng họ vẫn quan tâm, vẫn lên tiếng nói. Đó là một dấu hiệu tốt của quá trình đào luyện dân trí và dân chủ.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm