Nhờ tình báo Mỹ, Trung Quốc phá 1 đường dây ma túy tổng hợp

Một tòa án Trung Quốc vừa tuyên án chín kẻ buôn bán trái phép fentanyl hôm 7-11. Đáng chú ý, đây là kết quả của các trường hợp hiếm hoi lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ và Trung Quốc hợp tác trong nỗ lực trấn áp các mạng lưới sản xuất và phân phối chất ma túy tổng hợp trên toàn cầu.

Bị cáo Liu Yong bị tuyên án tử hình nhưng được ân xá hai năm, còn hai bị cáo khác là Jiang Juhua và Wang Fengxi bị tuyên án tù chung thân. Sáu bị cáo khác trong đường dây chịu các mức án nhẹ hơn với mức phạt từ sáu đến mười năm tù. 

Hình ảnh từ cuộc họp báo của Văn phòng Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia Trung Quốc. Ảnh: AP

Xuất phát từ một thông tin của Bộ An ninh nội địa Mỹ năm 2017 về một người bán ma túy trên mạng tên Diana, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Ma túy tổng hợp được điều chế tại một phòng thí nghiệm bí mật ở TP Hình Đài (Hà Bắc - Trung Quốc) để phân phối đến Mỹ và các quốc gia khác.

Cảnh sát đã bắt giữ hơn 20 nghi phạm hình sự và thu giữ 11,9 kg fentanyl cùng với 19,1 kg các loại ma túy khác.

Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ và Trung Quốc cho biết về hình thức, tổ chức này thành lập một doanh nghiệp kinh doanh nhỏ với đội ngũ bán hàng biết nói tiếng Anh, tiến hành tiếp thị trực tuyến, sản xuất theo hợp đồng và các thực hiện các thủ đoạn tinh vi để xuất khẩu ma túy ra nước ngoài.

Tuy nhiên, khung cảnh bên trong công ty khá tồi tàn và hỗn loạn. Các bức ảnh của cảnh sát cho thấy các thùng hóa chất không xác định được chất ngổn ngang, còn cảnh sát phải sử dụng găng tay cao su và mặt nạ dưỡng khí để tiếp cận hiện trường.

Hai bị cáo Liu và Jiang bị buộc tội sản xuất và buôn bán trái phép chất ma túy. Các bị cáo khác bị buộc tội buôn bán trái phép chất ma túy. Các bản án tử hình thường được ân xá và bị cáo chỉ phải chịu hình phạt tù chung thân.

Các quan chức Trung Quốc cho biết mạng lưới ma túy ở Hình Đài là một trong ba mạng lưới buôn bán ma túy mà họ có được manh mối từ thông tin tình báo của Mỹ. Do còn đang trong quá trình điều tra, nguồn tin này từ chối cung cấp chi tiết về hai vụ án còn lại.

Ông Austin Moore, tùy viên của Bộ An ninh nội địa Mỹ tại Trung Quốc, cho biết việc phá án này là "một bước đi quan trọng" cho thấy các nhà điều tra Mỹ và Trung Quốc có khả năng hợp tác giải quyết các vấn đề xuyên biên giới.

Trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng ma túy quá liều, Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã không thể khống chế được nguồn cung ma túy tổng hợp khi mà theo các quan chức Washington, hầu hết nguồn cung này xuất phát từ Trung Quốc.

Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì không thể hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn mạng lưới phân phối ma túy bất hợp pháp trong lãnh thổ Trung Quốc và để cho ngành kinh doanh hóa chất này mở rộng tự do.

Một số nguồn tin còn cho biết các quan chức Mỹ đã gắn việc Trung Quốc phải nỗ lực ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp fentanyl với các yêu cầu trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Ngày 7-11, ông Yu Haibin, Phó Giám đốc Văn phòng Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia Trung Quốc, đã mô tả cáo buộc Trung Quốc là nguồn cơn của vấn đề ma túy tổng hợp ở Mỹ là nhận định "vô trách nhiệm và không phù hợp với thực tế đang diễn ra".

"Tội phạm ma túy là kẻ thù chung của toàn nhân loại" - ông Yu nói. "Điều này liên quan đến sự sống của loài người. Điều này không nên bị gắn với cuộc chiến thương mại hay các lý do chính trị khác".

Các quan chức ở Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng họ đã nỗ lực kiểm soát sự mở rộng và trấn áp các nguồn cung ma túy tổng hợp, dù cho việc lạm dụng ma túy tổng hợp không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả quá trình điều tra cũng đã đặt ra một thách thức mới đối với giới làm luật ở Bắc Kinh. Các nhà hóa học đã tìm ra cách gia tăng lợi nhuận khi khéo léo luồn lách qua các lỗ hổng pháp lý, thay đổi một phần nhỏ trong cấu trúc các hoạt chất bị cấm và gọi tên chúng bằng những chất tương tự hợp pháp về mặt kỹ thuật.

Các quan chức Mỹ cũng hy vọng động thái hồi đầu năm của Trung Quốc khi cấm phân phối các hoạt chất tương tự fentanyl sẽ giúp hạn chế nguồn cung và giúp việc điều tra, khởi tố các đầu mối phân phối ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, trong 10 năm 2007-2017, hơn 500.000 người Mỹ chết vì sử dụng ma túy quá liều, trong đó các nguyên nhân liên quan đến ma túy tổng hợp đang ngày càng gia tăng.

Fentanyl là một hóa chất được sử dụng trong y học như một chất giảm đau. Tuy nhiên, nó còn được điều chế và sử dụng như một loại ma túy tổng hợp với khả năng gây ảo giác, có thể được dùng chung với heroin và cocaine. Nếu sử dụng quá liều, người dùng fentanyl có thể bị suy hô hấp, buồn nôn, hôn mê, thậm chí tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới