Tây Ban Nha:

Nhóm đột kích đại sứ quán Triều Tiên lên tiếng

Tổ chức Cheollima Civil Defense (CCD) cũng phủ nhận sự dính líu của bất kỳ chính phủ nước ngoài nào hay việc có liên quan đến hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam sau đó.

"Đây không phải là một cuộc tấn công. Chúng tôi chỉ phản ứng với một tình huống khẩn cấp tại đại sứ quán ở Madrid. Chúng tôi được mời vào đại sứ quán, và trái với các báo cáo, không có ai bị bịt miệng hay đánh đập. Vì tôn trọng quốc gia chủ nhà Tây Ban Nha, chúng tôi không sử dụng vũ khí. Tất cả mọi người trong đại sứ quán đều được đối xử một cách đúng đắn. Không có chính phủ nước nào khác liên quan hoặc biết về hoạt động của chúng tôi cho đến sau khi việc này diễn ra", đài CNN dẫn lời một tuyên bố của CCD.

Tuyên bố cũng nói thêm "Chúng tôi có bằng chứng xác minh cho lý do của mình, nhằm bảo vệ những người tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng tôi và cả những người đang chịu rủi ro lớn để bảo vệ người khác, chúng tôi không thể chia sẻ thêm về vụ việc vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia vào những công việc vô cùng nhạy cảm trên toàn thế giới”.

Tuyên bố được đưa ra vào ngày 26-3, vài giờ sau khi một thẩm phán Tây Ban Nha cho biết một trong những đối tượng xâm nhập được cho là đã tham gia thực hiện cuộc đột kích bí ẩn tại Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên ở thủ đô Madrid đã liên lạc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cung cấp dữ liệu bị đánh cắp trong vụ đột kích nói trên.

Theo một tài liệu từ Tòa án Tối cao Tây Ban Nha, thẩm phán Jose de la Mata đã dỡ bỏ một sắc lệnh bí mật về cuộc điều tra vụ tấn công ngày 22-2, yêu cầu cung cấp "một báo cáo về những gì đã xảy ra trước, trong và sau vụ tấn công".

Vụ việc trên do một nhóm gồm 10 người “là thành viên của một hiệp hội hoặc phong trào giải phóng Triều Tiên" thực hiện. Tài liệu không nêu rõ tên  CCD.

Năm ngày sau vụ tấn công, người được cho là nhà lãnh đạo của nhóm - một công dân Mỹ, đã liên lạc với FBI "để cung cấp thông tin về vụ việc tại Đại sứ quán, cũng như hình ảnh và âm thanh được cho là thu được” trong cuộc đột kích, tài liệu này nói.

Tài liệu cho biết thêm: "Ngoài ra, người này tuyên bố rằng, ông ta đã thực hiện các sự kiện cùng với một nhóm người chưa được xác định".

Thẩm phán cũng cho biết ông tin những kẻ xâm nhập được xác định, bao gồm các công dân Mỹ và Hàn Quốc, đã tới Mỹ sau vụ tấn công.

Ngày 26-3, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Robert Palladino cho biết rằng chính phủ Mỹ "không liên quan gì" đến vụ tấn công tại đại sứ quán. Ông cũng lưu ý rằng Mỹ "sẽ luôn kêu gọi bảo vệ các đại sứ quán thuộc bất kỳ cơ quan ngoại giao nào trên toàn thế giới".

FBI từ chối bình luận.

Mặt trước Đại sứ quán Triều tiên tại Madrid. Ảnh: Google View

CCD khăng khăng nói rằng họ đã chia sẻ thông tin với FBI một cách tự nguyện, nhưng theo yêu cầu của cơ quan này.

"Không có thông tin nào liên quan đến Madrid được chia sẻ với bất kỳ bên nào nhằm mục đích trao đổi lợi ích hay tiền bạc. Tổ chức này đã chia sẻ một số thông tin có giá trị tiềm năng to lớn với FBI, theo các điều khoản bảo mật lẫn nhau. Thông tin này được chia sẻ một cách tự nguyện và theo yêu cầu của họ, không phải của chúng tôi. Những điều khoản trên dường như đã bị phá vỡ, " tuyên bố nói, đề cập việc truyền thông xem họ như những kẻ đột nhập.

Hồi đầu tháng này, chính quyền Tây Ban Nha xác nhận họ đang điều tra một cuộc tấn công được báo cáo vào đại sứ quán nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về một cuộc thăm dò đang diễn ra.

Các báo cáo trước liên quan đến vụ tấn công do tờ El País của Tây Ban Nha công bố, cho biết một nhóm người mang súng giả đã xâm nhập vào, thẩm vấn và đánh đập những nhân viên bên trong.

Những cá nhân bị cáo buộc là “kẻ tấn công”, sau đó đã trói các nhân viên sứ quán bằng dây thừng và lấy trộm nhiều loại vật dụng trước khi chạy trốn trong những chiếc xe sang trọng, theo báo cáo của truyền thông Tây Ban Nha.

Những chi tiết tương tự cũng được tiết lộ trong tài liệu của tòa án Tây Ban Nha phát hành hôm 26-3.

Một nguồn tin trước đây đã nói với CNN rằng CCD, một nhóm mâu thuẫn với chính phủ Triều Tiên, được cho là đứng sau vụ tấn công xảy ra vài ngày trước khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim gặp thượng đỉnh tại Hà Nội.

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim đã kết thúc đột ngột một phần do bất đồng về thời gian dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm đổi lấy các bước tiến tới phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Nhưng Tổng thống Trump và các trợ lý của ông nói cả hai bên đều có những điều khoản tốt.

Tờ The Washington Post là tổ chức truyền thông đầu tiên thông báo sự tham gia của nhóm CCD, cũng như việc FBI đã được liên lạc những kẻ xâm nhập liên lạc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm