Sau khi một số tài liệu mật, trong đó có tài liệu đánh dấu tuyệt mật, của Lầu Năm Góc lan truyền trên mạng xã hội, một số câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến sự việc này.
Tài liệu mật bị rò rỉ có thật không?
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc rò rỉ thông tin mật và hiện Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang làm việc để tìm ra nguồn gốc của vụ rò rỉ, theo tờ The New York Times.
Bên cạnh phần lớn thông tin trong tài liệu là thật, các quan chức Mỹ cho biết một số thông tin dường như đã bị thay đổi. Hiện chưa rõ ai đã sửa các tài liệu đó và tại sao các đối tượng đó làm như vậy.
Lính Ukraine ở chiến trường miền đông Ukraine. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Bất kể lý do là gì, các nhà phân tích quân sự cho rằng một số tài liệu đã bị chỉnh sửa theo hướng có lợi cho Nga. Theo đó, ước tính của Mỹ số lượng lính Ukraine thiệt mạng đã được phóng đại lên, còn thiệt hại nhân lực của phía Nga thì lại giảm đi.
Các tài liệu này từ đâu ra?
Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy khả năng tài liệu bị rò rỉ nhiều hơn là bị hack, theo The New York Times.
Tài liệu xuất hiện nhiều đợt trên các nền tảng như Twitter, trang web 4chan, Telegram,... Những tài liệu này được lan truyền dưới dạng bức ảnh chụp bản in các tài liệu.
Các tài liệu giấy này được đặt bên trên thứ có vẻ như là một tạp chí săn bắn và được chụp vội. Các cựu quan chức sau khi xem những hình ảnh về tài liệu cho rằng có vẻ như một bản tóm tắt mật đã được ai đó gấp lại, đặt trong túi và sau đó được mang ra khỏi khu vực an ninh để chụp ảnh.
Giữa tuần trước, sáu bức ảnh về các tài liệu mật, chủ yếu liên quan đến tình trạng chiến sự Ukraine kể từ đầu tháng 3, bắt đầu được chia sẻ trên các kênh Telegram của Nga.
Sau đó, một loạt khoảng 100 tài liệu của Lầu Năm Góc cũng đã được chia sẻ trên Twitter, được cho là gồm nhiều thông tin bí mật mà các cơ quan tình báo Mỹ thu được, không chỉ về chiến sự Ukraine mà còn về thông tin về các đồng minh như Israel, Hàn Quốc và những khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo tờ Guardian.
Trong số đó, việc một số tài liệu được đánh dấu đặc biệt chỉ dành riêng cho Mỹ làm dấy lên nhiều khả năng là một quan chức Mỹ đã tiết lộ thông tin.
Mỹ thâm nhập sâu vào cơ quan tình báo Nga?
Các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đã thâm nhập sâu như thế nào vào các cơ quan an ninh và tình báo của Nga. Điều này cho phép Washington cảnh báo Kiev về các cuộc tấn công đã được Nga lên kế hoạch và hiểu rõ hơn về sức mạnh của lực lượng Nga.
Tài liệu càng chứng minh một điểm mà các quan chức tình báo Mỹ từ lâu đã thừa nhận, rằng Mỹ hiểu rõ về các hoạt động quân sự của Nga hơn là về những gì Ukraine đang lên kế hoạch.
Tân binh trung đoàn Azov huấn luyện hồi tháng 3. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Mỹ có thể nhận được các cảnh báo hàng ngày về thời điểm các cuộc tấn công của Moscow và thậm chí cả các mục tiêu cụ thể, điều đó cho thấy mạng lưới tình báo của Mỹ trong bộ máy quân sự Nga mạnh mẽ như thế nào.
Tuy nhiên, điều đó bây giờ có thể sẽ bị thay đổi. Thông qua các tài liệu mật, Nga có thể biết cơ quan nào của mình mà Mỹ do thám nhiều nhất để Moscow chặn đứng nguồn thông tin và điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Nga, Ukraine phản ứng ra sao?
Trong khi các quan chức Mỹ cho rằng vụ rò rỉ các tài liệu là một vụ vi phạm thông tin tình báo lớn, thì các quan chức Ukraine và Nga vẫn chưa đồng tình ai là thủ phạm.
Tuy nhiên, phía Nga và Ukraine cùng ý kiến về hai điểm. Một là thông tin của tài liệu mật rất đáng ngờ. Hai là cho rằng đây là một chiêu trò để đạt được mục đích gì đó.
Chia sẻ với The New York Times, ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng các tài liệu chứa đầy “thông tin hư cấu”.
Ông nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một yếu tố khác của chiến tranh hỗn hợp…Nga đang cố gắng gây ảnh hưởng đến xã hội Ukraine, gieo rắc sợ hãi, hoảng loạn, mất lòng tin và nghi ngờ. Đó là những hành vi đặc trưng (của Nga)”.
Theo ông, Nga muốn làm mất uy tín của phía Ukraine về cuộc phản công sắp tới nên mới tung ra những thông tin nói trên.
Ở Nga, các blogger quân sự ủng hộ chiến dịch đặc biệt thì cho rằng vụ rò rỉ là chiến dịch thông tin sai lệch của phương Tây nhằm hỗ trợ cuộc phản công của Ukraine.
Một bài đăng trên Grey Zone, một kênh Telegram liên kết với lực lượng lính của công ty quân sự Nga Wagner, cho rằng: “Chúng ta không nên loại trừ khả năng cao là một vụ rò rỉ thông tin mật như vậy vào đúng thời điểm chiến sự căng thẳng và sau khi các sự kiện trong tài liệu đã xảy ra, là thông tin sai lệch của tình báo phương Tây. Mục đích là để đánh lạc hướng chỉ huy của chúng ta trong cuộc phản công (của Ukraine) sắp tới”.
Một kênh Telegram khác của Nga dẫn lời ông Kyle Walter - Trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty Anh Logically chuyên phân tích về thông tin sai lệch, rằng các tài liệu gốc cho thấy tổn thất của Nga cao hơn so với Ukraine thể hiện đây là một phần của hoạt động “gây ảnh hưởng của phương Tây” nhằm “khiến tinh thần người Nga và các lực lượng Nga sa sút”.