Theo David Learmount, chuyên gia về an toàn hàng không, làm việc cho Flight Global, thì chiếc máy bay Boeing B777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn có thể bay ở độ cao 35.000 feet khi bị mất liên lạc trên Biển Đông, và phi công trên máy bay vẫn còn “rất nhiều thời gian” để thông báo về các sự cố kỹ thuật.
“Có điều gì đó đã xảy ra và phi công không thể nói với ai. Tại sao vậy? Đó là một câu hỏi đáng giá.”, ông Learmout cho hay trên tờ Mail Daily của Anh.
“Vô cùng bất thường khi phi công không gọi cấp cứu bởi họ có rất nhiều thời gian. Trừ khi là có bom trên máy bay. Tuy nhiên, không có bằng chứng về điều đó”, ông nói.
Greg Feith, cựu điều tra viên của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ, cho rằng phi công vẫn có thể gửi thông báo được trong trường hợp mất điện trên máy bay, do máy bay luôn có pin dự phòng để có thể “sử dụng cho một số thiết bị bay và hệ thống liên lạc để hoàn thành chuyến bay an toàn”.
Vì vậy, Greg Feith chỉ ra rằng, có thể có vấn đề về điều áp trên máy bay. “Nếu có vấn đề về điều áp trên cao, thì thời gian phi công xử lý tình huống thiếu oxy trên độ cao 9.000 đến 12.000m chỉ tính bằng giây.”
Còn ông Learmout, cũng là một phi công, đã có so sánh vụ máy bay mất tích của Malysia với vụ rơi máy bay 447 của hãng Air France, Pháp, trên Đại Tây Dương vào năm 2009, khiến 228 người thiệt mạng.
Ông cho biết, máy bay Pháp rơi khi phi công mất kiểm soát với máy bay, sau khi tinh thể băng ảnh hưởng tới các máy cảm ứng đo vận tốc máy bay.
Vì vậy theo ông “đây là so sánh dựa trên điều đã xảy ra và có thể có sự trùng hợp”.
“Sự việc xảy ra vào những giờ đầu tiên của buổi sáng, sau giữa đêm “chết chóc” và bị mất tích mà không có một lời kêu cứu từ các phi công”.
“Máy bay hiện đại được xây dựng chắc chắn và vô cùng an toàn. Nếu động cơ bị phỏng do dòng chảy nhiên liệu bị ngắt, các phi công có thể để máy bay trôi bình an trong khoảng 40 phút ở độ cao đó”, ông nói.
Theo Learmount, thời điểm máy bay Malaysia mất tích có thể là một yếu tố vô cùng quan trọng. “Từ giữa đêm đến 2h sáng, con người không tỉnh táo về thể chất cũng như tinh thần, mà thực tế là ở thời điểm kém nhất trong vòng sinh học 24 giờ”.
Ông cũng cho rằng việc không xác định được vị trí máy bay không hề bất thường, bởi các nhà điều tra Pháp cũng đã phải mất 2 năm mới tìm thấy chiếc máy bay mất tích 447 của Air France.
Shukor Yusof, nhà phân tích về hàng không tại S&P Capital IQ, nhận định, máy bay Malaysia không thể còn trên không vì vào thời điểm này đã hết nhiên liệu. “Hoặc là máy bay đã hạ cánh trên mặt đất, bình an vô sự, hoặc là đã rơi xuống biển”.
Các chuyên gia hàng không cũng cho rằng, giả xử máy bay đột ngột rơi, thì cũng xuất phát từ nhiều nhân tố. Có thể là hỏng động cơ nghiêm trọng, phi công có hành động nhằm tránh máy bay khác, hoặc là có một vụ nổ.
Chuyên gia về hàng không Richard Quest của Mỹ cũng cho biết, máy bay Malaysia mất tích vào thời điểm được xem là an toàn nhất trong hành trình bay. “Chuyến bay đã bay được 2 giờ. Đây là thời điểm được gọi là “bay bằng”. Một chuyến bay được chia ra làm các giai đoạn chạy trên đường băng, cất cánh, bay lên cao và rồi bay bằng”. Thời điểm này máy bay bay tự động và phi công sẽ chỉ sửa chữa lỗi nhỏ hoặc thay đổi nhỏ về độ cao khi máy bay hết nhiên liệu. Ngoài ra, máy bay không phải là quá cũ và Malaysia có nhiều năm kinh nghiệm với loại máy bay này.
Vì vậy ông dự đoán có điều gì đó “vô cùng nghiêm trọng” đã xảy ra với máy bay.
Xuất phát từ xác nhận của hãng hàng không, máy bay không phát tín hiệu cấp cứu, nhiều chuyên gia dự đoán có khả năng đã có một thảm họa bất ngờ xảy ra.
Theo Dân trí