Những kỳ quan thế giới có nguy cơ biến mất

Đảo Phục Sinh (ChiLe)

Đảo Phục Sinh hay còn gọi là Rapa Nui,  là một hòn đảo ở đông nam Thái Bình Dương, thuộc chủ quyền Chile, nằm ở cực đông nam Tam giác Polynesia. Đảo Phục Sinh nổi tiếng vì 887 bức tượng đá, gọi là moai, được tạo ra bởi người Rapa Nui cổ từ những năm 1250. Bức tượng lớn nhất được ghi nhận có chiều cao 10m và nặng 75 tấn. 

Đến năm 1995, UNESCO công nhận đảo Phục Sinh là một Di sản thế giới, với đa phần diện tích được bảo vệ trong vườn quốc gia Rapa Nui.

Những bức tượng bán thân trên đảo Phục sinh.

Theo báo cáo của Ủy ban Môi trường Liên hợp quốc và UNESCO, mực nước biển ngày càng dâng lên, kèm với những đợt sóng lớn đang ngày một đe dọa đến sự bền vững của các bức tượng đá khổng lồ trên đảo.

Đảo San hô Aldabra

Đảo san hô Aldabra là đảo san hô lớn thứ hai thế giới và nằm trong nhóm đảo Aldabra trên Ấn Độ Dương thuộc đảo quốc Seychelles. Hòn đảo không có người ở (ngoài các nhà khoa học và quản lý đảo ở đảo Picard) và cực kỳ bị cô lập khiến nó trở thành môi trường thiên nhiên chưa bị tác động bởi con người. Nơi đây nổi bật với các loài động thực vật đặc biệt bao gồm rùa khổng lồ Aldabra (loài rùa lớn nhất thế giới) và nhiều loài chim biển.

Rùa khổng lồ Aldabra tại đảo san hô.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ của vùng biển nơi đây tăng cao là tác nhân ảnh hưởng đến một số rặng san hô nổi tiếng. Ngoài đảo san hô Aldabra còn có rặng san hô Belize Barrier ở Đại Tây Dương và Great Barrier ở Australia cũng đang bị đe dọa.

Công viên Quốc gia Yellowstone (Mỹ)

Vườn quốc gia Yellowstone là một vườn quốc gia Hoa Kỳ nằm ở các bang phía tây Wyoming, Montana và Idaho của Mỹ, được thành lập năm 1872.

Yellowstone nổi tiếng với các miệng núi lửa nổi tiếng cùng mạch nước phun Old Faithful.

Miệng núi lửa ở Công viên quốc gia Yellowstone

Do biến đổi khí hậu, Công viên quốc gia Yellowstone đang trải qua những mùa đông ngắn ngủi với mật độ tuyết rơi ít hơn và những đợt cháy rừng kéo dài. Người ta lo ngại miệng núi lửa nơi đây sẽ thức giấc và xóa sổ công viên xinh đẹp này.

Thành phố Venice (Italia)

Thành phố Venice thường gọi "thành phố của các kênh đào" ở Italia. Thành phố này như một mạng lưới được tạo thành bởi 118 đảo và 175 kênh đào, các đảo nối với nhau bởi 444 cây cầu. 

Hình ảnh những chiếc gondola trôi lững lờ trên mặt nước tĩnh lặng, len qua các ngõ ngách nhỏ, du dương trong tiếng hát của người chèo thuyền luôn để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng du khách.

Một góc thành phố Venice

Tuy nhiên, hòn đảo lãng mạn này đang chịu mối đe dọa ngày càng tăng của nước lụt và thủy triều lên trong những cơn bão. Theo báo cáo của UNESCO, mực nước biển dâng lên 30 cm kể từ năm 1897. 

Vạn lý trường thành (Trung Quốc)

Vạn Lý Trường Thành là tên gọi chung cho nhiều thành lũy kéo dài hàng ngàn cây số, được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc xâm lược.

Vạn lý trường thành.

Đã tồn tại hơn 2.000 năm. Đây được biết là công trình nhân tạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên việc canh tác quá mức gần đây đã khiến gần 2/3 bức tường bị hư hại hoặc bị phá hủy. Các nhà nghiên cứu lo ngại, trong vòng 20 năm tới, bức tường có thể bị đổ nát do xói mòn quá mức.

Machu Picchu (Peru)

Machu Picchu là một khu tàn tích của người Inca thời tiền Columbo ở độ cao 2.430 m trên một quả núi có chóp nhọn. 

Các tàn tích của Đế chế Incan thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, vượt xa giới hạn 2.500 khách mỗi ngày ban đầu được UNESCO và Peru đặt ra. 

Machu Picchu.

Nhiều người tin rằng lượng du khách đến đây quá nhiều, cùng với lở đất và xói mòn tự nhiên, có thể khiến di tích sụp đổ trừ khi có nhiều quy định được đưa ra.

Biển Chết

Biển Chết là một hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. 

Biển chết là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới.

Biển Chết đã chìm 80 feet và giảm kích thước xuống một phần ba trong 40 năm qua. Chừng nào các nước trên biển tiếp tục sử dụng nước từ sông Jordan (nơi duy nhất Biển Chết rút nước từ đó), biển có thể biến mất hoàn toàn sau 50 năm.

The Taj Mahal (Ấn Độ)

Đền Taj Mahal là một lăng mộ nằm tại Agra, Ấn Độ. Hoàng đế Mogon Shah Jahan đã ra lệnh xây nó cho người vợ của mình là Mumtaz Mahal, khi bà qua đời. 

Taj Mahal là một trong những tòa nhà mang tính biểu tượng nhất trên thế giới, nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng địa điểm này có thể sụp đổ vì xói mòn và ô nhiễm.

Kim Tự tháp (Ai Cập)

Những kim tự tháp Ai Cập nổi tiếng nhất nằm ở Giza, ngoại ô Cairo, Ai Cập. Một số kim tự tháp Giza được xem là nằm trong số những công trình vĩ đại nhất từng được xây dựng từ thời cổ đại. Trong số đó, Kim tự tháp Kheops là một trong những công trình cổ nhất và duy nhất còn tồn tại trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại.

Kim tự tháp Giza.

Kim tự tháp Ai Cập và Nhân sư vĩ đại đang đối mặt với sự xói mòn do ô nhiễm. Các nhà khoa học lo ngại ô nhiễm có thể làm suy yếu các lõi kim tự tháp và khiên công trình vĩ đại này sụp đổ hoàn toàn.
Maldives

Maldives là một quốc đảo gồm 26 đảo lớn được bao quanh bởi 1190 đảo nhỏ tọa lạc ở Ấn Độ Dương.  Khoảng hai trăm đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống.

Những kỳ quan thế giới có nguy cơ biến mất ảnh 10
Đảo Maldives xinh đẹp. 

Các nhà khoa học dự đoán hòn đảo xinh đẹp này đang dần chìm xuống vì biến đổi khí hậu. Dự kiến trong vòng 100 năm tới, nó sẽ bị ngập hoàn toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm