Bắt đầu từ việc mỗi người với ý thức nhặt rác trong khu vườn bóng đá nhà mình để mỗi ngày khu vườn ấy được sạch hơn và đẹp hơn, đến nay Fair Play đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống bóng đá Việt Nam.
Chuyện cổ tích giữa đời thường, bốn tuyển thủ Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu và Hà Đức Chinh biến giấc mơ của bé Tom bị ung thư não thành hiện thực. Ảnh: HOÀNG GIANG
Văn Toàn với hành động ngăn cản lãnh đạo đội bóng bỏ cuộc chơi
đã được tôn vinh tại giải Fair Play 2017. Ảnh: HOÀNG GIANG
Từ những trăn trở của bóng đá Việt Nam…
Bóng đá là môn thể thao vua trên thế giới và ở Việt Nam. Với tính đối kháng và những nét đẹp trong thi đấu, bóng đá đã lôi cuốn hàng triệu triệu trái tim người hâm mộ hòa cùng nhịp đập, tạo sự phấn khích, say mê đối với mọi người.
Với tinh thần đó, từ ý tưởng của cố nhà báo Minh Hùng, báo Pháp Luật TP.HCM với tôn chỉ mục đích thượng tôn pháp luật đã khởi xướng và tổ chức giải thưởng Fair Play, hay còn gọi là “Bóng đá cao thượng”, vào tháng 4-2012. Giải Fair Play ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ là mong muốn xây dựng một nền bóng đá đẹp, tôn vinh lối chơi trung thực, góp phần đẩy lùi cái xấu, phản thể thao, bạo lực trên sân cỏ.
Fair Play ở tuổi lên 10 đã trở thành một giải không thể thiếu đối với bóng đá Việt Nam. Điều đó đã được khẳng định qua việc lên án bạo lực, lên án những hành vi xấu xí mà vừa qua cả nước đã mạnh mẽ lên tiếng với những sự cố xấu để hướng đến cái đẹp trong bóng đá.
Bóng đá Việt Nam chỉ có thể phát triển trên tinh thần tôn trọng cái đẹp và hướng về thứ bóng đá sạch sẽ, chân thiện mỹ mà giải Fair Play luôn nêu cao tinh thần đó.
Tuy nhiên, bên cạnh tính cao đẹp đó, vẫn còn tồn tại những hình ảnh xấu xí, hành vi tiêu cực, thô bạo trên sân cỏ của một bộ phận cầu thủ, HLV, cổ động viên và cả lãnh đạo đội bóng rất cần phê phán, đấu tranh. Và một trong những biện pháp tích cực nhất nhằm loại trừ dần tệ chơi xấu, hành vi phản thể thao, hành động tiêu cực trong bóng đá chính là tôn vinh lối chơi đẹp, phong cách thi đấu cao thượng, trong sáng.
… đến những hình ảnh đẹp cả trên sân bóng và đời thường
Fair Play đã vào tuổi lên 10 và mỗi ngày một lớn mạnh cùng tiếng vang và sự hưởng ứng nhiệt tình hơn từ giới bóng đá. Nếu VFF và Công ty VPF luôn ủng hộ và đồng hành cùng giải trong việc đưa đến các CLB, các cầu thủ và các nhà điều hành những thông điệp từ tiêu chí của giải Fair Play thì các CLB, các nhà điều hành bóng đá cũng hết lòng ủng hộ qua việc giáo dục và định hướng cho CLB, cho cầu thủ của mình lấy tinh thần fair play làm một trong những tiêu chí hàng đầu.
Fair Play không chỉ diễn ra trên sân cỏ, mà trong mọi ngóc ngách của đời sống bóng đá, với hành động đẹp của hậu vệ Võ Nhật Tân, cầu thủ của Đồng Tâm Long An, nói không với tiêu cực đã được vinh danh ở mùa giải đầu tiên. Chàng trai quê Gò Công hiền lành đã dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi lôi kéo mua bán độ của những kẻ môi giới, báo cho lãnh đạo đội bóng cảnh giác và phản ứng kịp thời.
Giới hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng không thể nào quên hình ảnh quyến rũ và thân thương của đội tuyển U-19 Việt Nam với nòng cốt của Học viện HA Gia Lai. Họ không chỉ gây tiếng vang về chuyên môn trên đấu trường quốc tế, mà còn để lại nhiều dấu ấn bởi cách ứng xử đẹp, có văn hóa, đạo đức.
Bóng đá cao thượng còn tôn vinh ngoại binh Abass Dieng người Senegal sẵn lòng tha thứ lỗi lầm cho đồng nghiệp, dù anh bị chơi xấu đến gãy chân. Hay tiền đạo Nguyễn Văn Toàn đã rất tỉnh táo can ngăn đồng đội lẫn ban huấn luyện và lãnh đạo phản ứng trọng tài, để cuộc chơi về đích an toàn.
Fair Play không quên đội tuyển futsal Việt Nam lập kỳ tích có mặt tại vòng chung kết World Cup mà còn nhận giải thưởng lớn Fair Play của FIFA dành cho đội bóng cống hiến và có tinh thần cao thượng nhất giải.
Bóng đá Việt Nam mỗi mùa trôi qua đều có những ấn tượng đẹp, như nữ tuyển thủ Chương Thị Kiều bị chấn thương vẫn nén đau trở lại sân cỏ chiến đấu đến kiệt sức với cái đùi bê bết máu, góp phần giúp đồng đội chiến thắng đội tuyển Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 30.
Gần đây nhất là hình ảnh cầu thủ futsal Nguyễn Nhớ với gương mặt chân chất của một chàng trai từng đi chài lưới ở miền biển rồi bén duyên với futsal. Nguyễn Nhớ buộc mọi người phải nể phục chàng trai chân chất nhưng có tấm lòng nhân hậu với việc bỏ pha ghi bàn mười mươi, đưa trái bóng ra ngoài để các bác sĩ vào sân săn sóc cho đối thủ nằm chấn thương.
Cổ tích giữa đời thường còn là tinh thần fair play của bốn tuyển thủ Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu và Hà Đức Chinh biến giấc mơ của bé Tom bị ung thư não, ao ước được chơi bóng với các thần tượng của mình thành hiện thực. Hành động đó đã lan tỏa cao trong cộng đồng và xã hội.