Những lợi ích không tưởng của “tắm rừng”

(PLO)- Tắm rừng là phương pháp trị liệu tâm lý giúp con người có cách sống hòa hợp với thiên nhiên, giảm lo âu, căng thẳng, mang lại sức khỏe thể chất và tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo với chủ đề “Tắm rừng - Liệu pháp giảm lo âu, căng thẳng cùng thiên nhiên” do nhóm sinh viên văn bằng 2, khoa Tâm lý học (trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn) tổ chức vào sáng ngày 8-5, đông đảo các đối tượng từ người lớn đến trẻ em đều tham gia để chiêm nghiệm một liệu pháp trị liệu tâm lý hiệu quả.

Hội thảo với chủ đề “Tắm rừng - Liệu pháp giảm lo âu, căng thẳng cùng thiên nhiên”. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Hội thảo với chủ đề “Tắm rừng - Liệu pháp giảm lo âu, căng thẳng cùng thiên nhiên”. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần

Theo anh Lê Anh Hoàng (thành viên của dự án), "tắm rừng" là một liệu pháp chữa lành từ thiên nhiên, được nhiều tác giả đề cập đến như một giải pháp giúp con người có cách sống hòa hợp với thiên nhiên, mang lại sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Tắm rừng" có nguồn gốc từ Nhật Bản, sau đó được lan truyền vào Hàn Quốc, Đài Loan, Phần Lan và các nước Châu Âu, Mỹ. Hiện nay, liệu pháp này vào Việt Nam qua các hình thức du lịch sinh thái.

Anh Lê Anh Hoàng nói về phương pháp và lưu ý khi "tắm rừng". Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Anh Lê Anh Hoàng nói về phương pháp và lưu ý khi "tắm rừng". Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Anh Hoàng cho hay, "tắm rừng" mang lại rất nhiều lợi ích cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Cụ thể, tắm rừng giúp phục hồi sau bệnh nhanh chóng, thúc đẩy hoạt động bạch cầu, giảm huyết áp, tăng hệ miễn dịch. Ngoài ra, tắm rừng giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng, tăng tập trung,…

“Khi chúng ta đi bộ 2 giờ trong rừng sẽ làm tăng hoạt động của tế bào NK có thể kéo dài nhiều ngày giúp đáp ứng miễn dịch. Tecpen rừng thông thường làm dịu chứng viêm và giảm stress oxy hóa. Không khí trong rừng tạo ra phản ứng thư giãn và làm giảm hoạt động của hệ thần kinh. Tiếp xúc với không khí trong rừng làm giảm mức cortisol và β-pinen có đặc tính chống trầm cảm, cải thiện giấc ngủ. Tiếp xúc với VOC có thể làm giảm lượng đường huyết” - anh Hoàng chia sẻ.

Hội thảo có cả người lớn và trẻ em tham gia. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Hội thảo có cả người lớn và trẻ em tham gia. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Anh Hoàng còn nói, "tắm rừng" không giới hạn đối tượng người tham gia. Chỉ cần yêu thiên nhiên, mong muốn tìm hiểu về rừng và có nhu cầu giảm lo âu, căng thẳng. Người hướng dẫn đi theo phải hiểu về vị trí địa lý, đường đi, hướng dẫn cách thức phù hợp. Có thể đi theo nhóm nhỏ từ 2 đến 20 người. Trong lúc đang thực hiện "tắm rừng" không nên nói chuyện, chia sẻ cảm nhận, có thể chia sẻ vào cuối buổi.

Nên chọn vị trí tự nhiên, gần nhất, an toàn, tránh âm thanh nhân tạo, hạn chế bê tông cốt thép. Có thể "tắm rừng" ở những địa điểm như rừng quốc gia, khu sinh quyển, đồi núi, sông suối, cánh đồng, công viên gần nhà có nhiều mảng xanh yên tĩnh, con đường mòn gần nhà an toàn hay khu vườn gia đình,…

Có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư

Trong buổi hội thảo, chị Hồ Thị Ngọc Dung (trưởng dự án) lưu ý mọi người khi tắm rừng nên lựa chọn trang phục phù hợp, để giác quan lên tiếng, xem rừng như một người bạn, không nên nghĩ nhiều về hiệu quả.

“Trải nghiệm "tắm rừng" là khi chúng ta đi lang thang không mục đích, cho phép cơ thể và tâm trí bạn dẫn dắt mình đi đến bất cứ nơi nào mà nó muốn. Thỉnh thoảng ta dừng lại quan sát một chiếc lá rơi, một đàn kiến bò theo sự điều khiển tự nhiên của giác quan. Hoặc ngồi lại nơi bạn muốn, lắng nghe nghe âm thanh của rừng”.

Chị Hồ Thị Ngọc Dung nói về những lợi ích của liệu pháp "tắm rừng". Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Cũng theo chị, đôi khi "tắm rừng" là quan sát các sự chuyển động của lá, gió, chim chóc cho dù nó đang đứng yên. Lắng nghe điều gì đang thay đổi, diễn ra bên trong chúng ta. Nếu mất tập trung, hãy dừng lại và chú ý vào một điều gì đó gần ta và quan sát nó.

Chia sẻ về sự cần thiết của "tắm rừng" lúc tâm trạng chúng ta đang chênh vênh hay cần một sự thư giãn tột độ, chị Dung nói: "“Tắm rừng" là một công cụ chăm sóc sức khỏe tự nhiên vô cùng hữu ích. Là phương pháp hỗ trợ tự nhiên bên cạnh những cách điều trị theo tiêu chuẩn. Tắm rừng là cách chữa lành để hoà mình cùng thiên nhiên và hòa mình vào chính chúng ta.

Chị Nguyễn Thủy Tiên, người đồng sáng lập và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam cũng đến tham gia buổi hội thảo. Chị cho hay bản thân rất quan tâm đến những phương pháp trị liệu gắn liền với thiên nhiên. Chị đã từng áp dụng các liệu pháp trị liệu tâm lý tương tự vì nó chữa lành rất tốt, không chỉ cho người bình thường mà còn cho cả những bệnh nhân ung thư.

Chị Nguyễn Thủy Tiên hy vọng có thể tổ chức một chương trình tương tự cho nhóm bệnh nhân ung thư vú Việt Nam. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Chị Nguyễn Thủy Tiên hy vọng có thể tổ chức một chương trình tương tự cho nhóm bệnh nhân ung thư vú Việt Nam. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

“Đến tham gia hội thảo, tôi hiểu được nhiều kiến thức về "tắm rừng". Tôi thấy khi hiểu được những kiến thức cơ bản này, chúng ta nếu bị stress có thể tự mình làm các phương pháp trị liệu cho bản thân. Hy vọng sắp tới tôi có cơ hội mời nhóm các anh chị nghiên cứu dự án tắm rừng này tham gia làm tình nguyện viên để tổ chức một chương trình tương tự cho nhóm bệnh nhân ung thư vú Việt Nam” - chị Thủy Tiên trải lòng.

Bà Phạm Thị Hoàng (60 tuổi) chăm chú lắng nghe về liệu pháp "tắm rừng" - giải tỏa căng thẳng. Được biết bà là huấn luyện viên Yoga, đang dùng Yoga để trị liệu tâm lý cho một vài học viên. Vì thích chủ đề này nên bà tham gia để bổ sung kiến thức về trị liệu tâm lý, chữa lành tâm hồn.

Bà Phạm Thị Hoàng mong muốn tham gia một chuyến tắm rừng để trải nghiệm những điều tuyệt vời từ thiên nhiên. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

Bà Phạm Thị Hoàng mong muốn tham gia một chuyến tắm rừng để trải nghiệm những điều tuyệt vời từ thiên nhiên. Ảnh: THẢO PHƯƠNG.

“Vừa ngồi nghe tôi vừa đảo mình - một động tác yoga để cơ thể thư giãn và hòa mình với liệu pháp tâm lý này. Theo tôi, Yoga và "tắm rừng" có mối liên quan với nhau, có thể phối hợp hai liệu pháp này để chữa trị tâm lý. Nếu có cơ hội, tôi sẽ tham gia một chuyến "tắm rừng" để trải nghiệm những điều tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho tâm hồn mỗi chúng ta” - bà Hoàng trải lòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm