Đây là nấm mộ của một phụ nữ Công giáo và người chồng theo đạo Tin lành, những người không được phép chôn chung với nhau. Khu vực Tin lành của nghĩa địa là nơi chôn cất của đại tá kỵ binh Hà Lan J.W.C van Gorcum trong khi vợ ông, bà J.C.P.H van Aefferden lại được chôn ở khu vực dành cho những người Công giáo.
Họ kết hôn vào năm 1842, khi đó bà Aefferden 22 tuổi còn ông Gorum 33 tuổi nhưng ông là người tín đồ Tin lành và không thuộc tầng lớp quý tộc.
Đây là nguyên nhân gây ra một cuộc bạo động tại Roermond. Sau khi kết hôn được 38 năm, đại tá Gorum qua đời vào năm 1880 và được chôn ở khu vực dành cho tín đồ Tin lành của nghĩa địa, dựa vào bức tường. Vợ ông qua đời vào năm 1888 và quyết định không chôn trong lăng mộ của gia đình mà chôn ở phía bên kia của bức tường để được ở gần chồng. Hai bàn tay siết chặt nhau kết nối hai ngôi mộ ở hai bên bức tường chính là biểu tượng cho sự gắn kết mãi mãi của cặp vợ chồng này.
Bia mộ này được đặt tại nghĩa địa Recoleta, Argentina. Điều bất thường ở ngôi mộ này là gì? Một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế sofa và đang đăm chiêu nhìn về phía chân trời trong khi một phụ nữ ngồi trên một chiếc ghế khác, sau lưng ông và nhìn về phía ngược lại. Hai bức tượng chân dung được đặt như vậy bởi người đàn ông qua đời trước vì thế gia đình đã xây lăng mộ cho ông. Một vài năm sau đó, khi vợ ông qua đời, trong di chúc, bà đã yêu cầu được đặt tượng mình quay lưng lại với chồng để phản ánh cuộc hôn nhân "phẳng lặng" của mình: hai người đã không nói với nhau một lời trong 30 năm cuối đời.
Fernand Arbelot là một nhạc sĩ kiêm diễn viên. Ông qua đời năm 1990 và được chôn tại nghĩa địa Pere Lachaise. Ông mong ước được nhìn thấy khuôn mặt của người vợ thân yêu mãi mãi.
Khi vợ của Jonathan Reed, bà Mary tạ thế vào năm 1893, ông đã không muốn rời xa bà. Thực tế, ông yêu vợ tới nỗi chuyển vào sống trong lăng mộ của vợ trong hơn 10 năm. Reed đã qua đời vào năm 1905 và cuối cùng ông đã được đoàn tụ với Mary.
Điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Hiawatha, Kansas là một lăng mộ được xây dựng vào năm 1930 nằm tại Nghĩa địa Núi Hy vọng. John Milburn Davis tới Hiawatha vào năm 1879 khi mới 24 tuổi. Sau một thời gian ngắn, ông kết hôn với Sarah Hart, con gái của người chủ tuy nhiên gia đình Sarah không chấp nhận cuộc hôn nhân này.
Gia đình Davis đã bắt đầu phát triển trang trại của riêng mình và có cuộc sống sung túc hơn. Khi Sarah qua đời vào năm 1930, khi đó gia đình họ rất giàu có. 7 năm sau đó, John dành toàn bộ số tiền kiếm được để xây mộ cho vợ.
Được biết, số tiền bỏ ra để xây Đài tưởng niệm gia đình Davis ước tính khoảng 100.000 USD. Có một số giả thiết được đưa ra để giải thích cho sự phung phí này của John bao gồm tình yêu vĩ đại, cảm giác tội lỗi, sự giận dữ đối với gia đình Sarah và mong muốn tài sản của gia đình Davis sẽ bị cạn kiệt trước khi John qua đời.
Trong khu lăng mộ có tới 11 bức tượng John và Sarah có kích thước như người thật được làm từ đá hoa cương Ý, nhiều bình đựng tro cốt bằng đá và mái che mái hoa cường có trọng lượng lên tới 50 tấn.
Theo Sầm Hoa (VNN / Oddee)