Những sự thật mới được công bố về cố Tổng Bí thư Leonid Brezhnev

Vào cuối năm nay, nước Nga sẽ kỷ niệm 105 ngày sinh Tổng Bí thư Leonid Brezhnev (6/12/1906-10/11/1982). Dưới thời Brezhnev, Liên bang Xôviết đạt được đỉnh cao phát triển của mình. Ông Brezhnev từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và là Nguyên soái Liên Xô. Ông đảm đương cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng 4/1964 tới khi qua đời năm 1982.

Những sự thật mới được công bố về cố Tổng Bí thư Leonid Brezhnev ảnh 1

Săn bắn trong giờ rảnh rỗi là một niềm say mê của Tổng Bí thư Brezhnev 

Chuẩn bị cho lễ trọng  thể này, ngay đầu năm 2011, nhà báo kiêm nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Aleksandr Khinshtein đã hoàn thành cuốn sách "Chuyện về một thời đã mất", trong đó tác giả bác bỏ những định kiến  và bịa đặt về cái gọi là "giai đoạn trì trệ" trong lịch sử Liên Xô và kể lại những sự việc còn ít được biết tới trong cuộc đời của nhà lãnh đạo Xôviết lừng lẫy này. Trong sách cũng công bố một số trang nhật ký của cố Tổng  Bí thư Brezhnev.

Nhà báo Aleksandr Khinshtein viết:

"Thật hạnh phúc vì ở nước ta còn giữ lại được di sản Xôviết cũ của thời lãnh đạo Brezhnev - chính nhờ nhà lãnh đạo này mà đất nước mới còn sống sót được trong những thập niên cầm quyền của Gorbachev và Yeltsin. Nếu không có Brezhnev với những đường ống dẫn dầu và khí đốt, với hệ thống nhà ở,  cơ sở giao thông hạ tầng, những công trình công nghiệp khổng lồ, thì trong những năm rối loạn sau này, đất nước đã chẳng còn tồn tại nữa. Và ngay cả hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục được hưởng những thành quả của giai đoạn đó. Khi về già, Brezhnev cũng như Yeltsin. Nhưng khi ông Brezhnev còn phong độ thì ông đã nhìn thấu được trước tất cả những gì mà chính quyền Nga hiện nay với sự lãnh đạo của ông Putin đang thực hiện".

Theo nhà báo Aleksandr Khinshtein, thành quả chủ yếu của thời Brezhnev cầm quyền là sự thiết lập trong xã hội một bầu không khí tương đối no đủ ổn định. Và vì thế ông rất xứng đáng được xã hội Nga  hiện đại tôn vinh vì đấy cũng đang là thứ được coi là thành tích chủ yếu của những nhà lãnh đạo Nga hiện nay.

Nói theo ngôn ngữ bây giờ, ông Brezhnev thời thanh niên đã là một nhà quản lý xuất sắc trong xử lý khủng hoảng. Hai, ba ngày liên tục không ăn không ngủ là chế độ làm việc bình thường đối với "manager"  (nhà quản lý) Brezhnev thuở đó, trong giai đoạn sức khỏe còn cho phép ông chịu đựng như thế. Ông có thể không về nhà gặp gỡ vợ con hàng tuần liền. Vì công việc, ông từng thường xuyên ngủ trong xe hơi và tại văn phòng.

Lãnh tụ Stalin không quá vung tay thưởng huân chương cho các "công sứ" của mình nhưng ông đã đánh giá đúng những nỗ lực của Brezhnev. Tháng 12/1947, Brezhnev nhờ thành tích phục dựng từ đổ nát Nhà máy  luyện thép Zaporozhstal đã được nhận Huân chương Lênin đầu tiên của đời mình - phần thưởng cao quý nhất của Liên bang Xôviết thời ấy.

Những sự thật mới được công bố về cố Tổng Bí thư Leonid Brezhnev ảnh 2

Hội kiến với Tổng thống Mỹ R.Nixon

Hay tin này, Brezhnev nóng lòng được nhìn thấy tận mắt lãnh tụ Stalin tới mức ông đã là một trong những người đầu tiên vội vã đi xe tới nơi tổ chức bữa tiệc mừng và chọn chỗ gần nhất, lối mà Stalin sẽ bước vào. "Khi ông xuất hiện - nhiều năm về sau Brezhnev đã kể lại với những người thân cận nhất, -  tôi đứng dậy hướng tới phía ông hấp tấp tới mức đã làm đổ cả cái bàn chất đầy chai và bát đĩa dự trữ. Có khoảng gần 30 bộ trên cái bàn đó. Tất cả đều bị vỡ tan tành. Nhưng tôi không bị mắng mỏ gì".

Cũng trong ngày hôm đó, Brezhnev cùng với anh bạn phi công lừng danh đã từng có thời gian cùng công tác ở vùng Đất Nhỏ (Malaya Zemlia) Pokryshkin (về sau trở thành  Nguyên soái Không quân và ba lần Anh hùng Liên Xô) - đã thi nhau chén chú chén anh trong nhà hàng ở khách sạn Moskva. "Lúc đó đã quá nửa đêm - Anatoli Chernyaev, nguyên Phó ban Quan hệ Quốc tế BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô, từng được nghe chính ông Brezhnev kể lại, tường thuật. -  Hai vị khách muộn đã bị những người phục vụ lịch sự yêu cầu kết thúc bữa nhậu để họ còn đóng cửa. Thế là Pokryshkin rút ngay súng lục ra và bắn loạn xạ lên trần nhà.

Sáng ra, chuyện này đã được báo cáo với lãnh tụ Stalin. Ông thản nhiên nói: "Đã là Anh hùng thì có thể xử sự như thế". Hóa ra là lãnh tụ Xôviết rất thích những người quân nhân và cựu quân nhân như Brezhnev và Pokryshkin và sẵn sàng bỏ qua cho họ những sơ sẩy quá đà trong đời thường.

Brezhnev có thái độ rất giản dị về các chức vụ mà ông đảm nhận. Năm 1964, một người hàng xóm ở cùng ngôi nhà trên đại lộ Kutuzovski tình cờ gặp ông Brezhnev ngoài sân. Khi  đó, ông đã được bầu làm nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia Xôviết nhưng tin này vẫn chưa được  công bố rộng rãi nên người hàng xóm này chưa biết. "Câu đầu tiên mà tôi nghe ông ấy nói là thông báo: Hôm nay bọn tôi đã hạ bệ Khrusov rồi. Tôi hỏi: Thế các anh đã đưa ai lên thay? Brezhnev vừa cười vừa đáp: Anh có biết không, chính là tôi đấy!".

Ngay trong ngày đầu tiên với cương vị là Tổng Bí thư, vừa kết thúc ngày hội nghị của BCH T.Ư, Brezhnev trở về văn phòng của mình và tuyên bố ngay: "Nhân dân Xôviết trong tương lai cần phải được  có một cuộc sống bình an để làm việc tốt".

Tháng 7/1965, trong cuộc gặp gỡ với các cán bộ đảng ở Leningrad, Brezhnev tuyên bố: "... Tôi không muốn trở thành người chỉ hành động theo nguyên tắc - nếu dưới thời Khrusov đã là như thế thì tôi sẽ làm ngược lại, hành xử như vậy thật ngốc nghếch". Tổng Bí thư mới nhớ quá rõ bộ máy chính quyền đã phải khổ sở thế nào để thích nghi với nhà lãnh đạo mới dưới thời Stalin và Khrusov nên không muốn lặp lại những sai lầm của những người tiền nhiệm.

Ông cũng không thích tung ra những khẩu hiệu to tát mà chỉ chú tâm vào những công việc mang tính thực chất, hướng tới những hiệu quả thiết thực. Từ thời điểm ông lên vị trí cao nhất trong Điện Kremlin đã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội quan trọng. Đất nước đã chuyển từ lịch làm việc 6 ngày sang 5 ngày trong một tuần.

Ngày 9/5 (ngày kỷ niệm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại) và ngày 8/3 (ngày Quốc tế phụ nữ) đã được coi là những ngày nghỉ lễ. Các cựu chiến binh và các gia đình liệt sĩ được nhận những ưu đãi thường xuyên. Các nông trang viên đã được nhận lương làm việc và lương hưu, được cấp hộ chiếu. Tuổi về hưu được hạ thấp xuống mức như hiện nay ở nước Nga. Lương hưu cũng như trợ cấp cho trẻ nhỏ được tăng lên. Mức lương tối thiểu năm 1971 đã được tăng lên tới 70 rúp; số tiền này khi đó hoàn toàn đủ để sống một cách bình thường. Thu nhập với mức lương tối thiểu thôi bị đánh thuế.

Ở thời đó, sa thải một nhân công là việc gần như không thể làm được trong thực tế vì các quan tòa luôn đứng về phía "những người bị hại". Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đã được cắt bớt một năm. Khi sinh ra đứa con thứ hai, các bà mẹ được cấp thêm một khoản trợ cấp ở mức 1.200 rúp một tháng: "Một khi tôi còn sống,  - Brezhnev đã nói, - thì giá bánh mỳ không được tăng".

Brezhnev đã trở thành chính trị gia đầu tiên trong chế độ Xôviết không bị lụy những khuôn mẫu theo kiểu giáo điều. Thời sung sức, ông luôn có phong độ phóng khoáng, cởi mở, nụ cười tươi rói, niềm nở, y phục sang trọng. Không ngẫu nhiên mà phái yếu rất dễ xao lòng trước ông. Một người họ hàng của ông, Oleg Shevlyakov, đã kể lại rằng, cuối những năm 60 của thế kỷ trước, một lần, Brezhnev trở về nhà trong một trạng thái tương đối hứng khởi vì đã chén chú chén anh với nhiều đồng nghiệp.

Và bất ngờ ông đã cởi lòng: "Còn trẻ thì còn nên vui. Nếu thích cô gái nào thì hãy cầm lấy tay cô gái ấy. Để lúc về già còn có kỷ niệm mà nhớ lại... Nhưng không được ép buộc ai đấy, hiển nhiên là phải thế. Chứ không rồi lúc da mồi tóc bạc ngồi không lại ngẩn ngơ buồn vì xôi hỏng bỏng không. Khi đã sức tàn lực kiệt thì có dán tiền lên cũng chẳng động đậy gì được đâu...".

Có một lần Brezhnev nghỉ phép ở Cryme. Một hôm, có một phụ nữ đã lẻn vào biệt thự dành cho Tổng Bí thư để tìm gặp ông ngay bên cạnh bể bơi - trước đó, chị đã náu mình suốt đêm ngoài biển để tránh bị canô của lực lượng đặc nhiệm phát hiện. Hóa ra là, đó không phải là nữ điệp viên với nhiệm vụ gì đặc biệt mà chỉ là một phụ nữ đã bị chồng (một sĩ quan) đuổi ra khỏi nhà cùng đứa con gái nhỏ. Hai mẹ con chẳng còn chỗ nào để nương thân vì  họ không có ngay cả đăng ký hộ khẩu (các bà vợ sĩ quan ở Liên Xô trước đây đúng là phải "xuất giá tòng phu",  chồng được phân công công tác ở đâu thì mình đến ở cùng tại đấy, mọi thứ đều nhất nhất phụ thuộc vào chồng). Hay chuyện, vẫn còn ở trong bể bơi, Brezhnev đã gọi điện thoại ngay lập tức tới Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Odessa:

- Anh xem xét việc này nhé...

Sau ba ngày, người phụ nữ trên đã được cấp một căn hộ riêng cùng hộ chiếu mới...

Nhà báo lão thành Bovin nhớ lại  một chuyện ở Zavidovo ở thời điểm Ban thư ký đang tất bật chuẩn bị   văn bản diễn văn mới cho Tổng Bí thư. Và một thư ký viên trong cơn say mê công việc đã lỡ lời quát to với Brezhnev:

- Ngốc quá, thôi đừng dạy bảo nữa!

Cả căn phòng chết lặng. Thế nhưng, Brezhnev không nổi nóng mà chỉ đi ra ngoài hành lang và cứ lẩm bẩm:

- Không, mình đâu có ngốc. Mình là Tổng Bí thư! Cái cậu này đúng là loạn ngôn thật!

Và rồi chuyện cũng được bỏ qua. Đơn giản là khi tranh luận trong tình đồng chí, chân lý lắm khi quan trọng hơn là cấp chức...

Có lẽ không có vị nguyên thủ thứ hai nào có thể tỏ ra hiền hòa và công bằng với những cộng sự thân thiết như vậy.

Một nhà báo lão thành khác của nền báo chí Xôviết, Melor Strua, nhớ lại một câu chuyện thú vị rất điển hình đối với tính cách của Brezhnev. Năm 1972, Strua, khi đó là một phóng viên kỳ cựu của tờ Izvestia thường trú tại Mỹ, mang về Moskva một cái xe thể thao Chrysler Charger màu đỏ chói - khi đấy sự kiện này như thể là có được một tàu du hành vũ trụ. Tình cờ cỗ xe đó lọt vào mắt Brezhnev, người rất mê những kiểu xe sang trọng. Và thế là các trợ lý của Tổng Bí thư đã giở đủ trò dụ dỗ Strua để ông nhà báo này đổi xe.

Thậm chí, họ còn dẫn Strua vào garage của Điện Kremlin và bảo ông muốn chọn cái nào cũng được, miễn là đưa Chrysler Charger vào Điện Kremlin. Thế nhưng, ông nhà báo quen sống ở phương Tây vẫn cứng đầu cứng cổ không chịu. Biết vậy, nhưng Brezhnev vẫn không nổi cáu. Thậm chí khi biết cái xe Chrysler Charger cần phải sửa chữa, ông đã cho phép mang xe vào xưởng ở Điện Kremlin dành cho lãnh đạo cao cấp để có được chất lượng dịch vụ tốt hơn...

Những kẻ hậu sinh chỉ nhìn thấy Brezhnev lúc ông đã sức tàn lực kiệt mà vẫn còn tại vị, cũng cần phải biết rằng, ông đã hao tổn sức khỏe của mình không phải vì rượu chè hay du hí. Tất cả những căn bệnh mà lúc về già ông mắc phải đều là hậu quả của một quá trình làm việc căng thẳng kéo dài, những vết thương từng phải chịu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại... Ít ai biết rằng, ở thời điểm cuối đời, Brezhnev đã dự định tự nguyện rời khỏi chức vụ  Tổng Bí thư để trao quyền lực lại cho người kế nhiệm. Việc này lẽ ra đã được diễn ra vào ngày 15/11/1982...

Tuy nhiên, tới ngày 10/11/1982, Brezhnev đã bất ngờ từ trần trong những tình huống mà một số người thân cận cho là bí hiểm.

Theo đánh giá của nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Aleksandr Khinshtein, nếu Brezhnev sống được thêm vài ngày nữa, lịch sử quốc gia Xôviết hẳn đã khác và có thể nó vẫn tiếp tục tồn tại cho tới ngày hôm nay.

Theo Minh Huyền (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm