Trước tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu, “sức khỏe môi trường” dần được chú ý nhiều hơn. Tại Đông Nam Á, ngày càng nhiều bạn trẻ bắt đầu hành động, đi những bước đầu tiên đóng góp vào công cuộc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều “thủ lĩnh thanh niên” Đông Nam Á đến từ Việt Nam, Myanmar, Singapore nói về quan ngại của mình với môi trường, giới thiệu các dự án các bạn đang thực hiện nhằm góp phần tiếp thêm sức sống cho Trái đất.
Nhân loại phụ thuộc vào nghị lực, ý tưởng và sự đóng góp vô tận của tuổi trẻ khắp nơi. Chúng ta hãy hỗ trợ và sát cánh cùng những người trẻ trong việc định hình một thế giới công bằng và bền vững cho con người và hành tinh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc ANT0NIO GUTERRES
Từ phế phẩm thành tác phẩm
Với sự quan tâm đến môi trường, bạn Huỳnh Huyền Diệu, cựu sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cùng các cộng sự sáng lập dự án Reborn Décor - From Trash to Treasure (Từ phế phẩm thành tác phẩm).
Theo Diệu, mục tiêu của Reborn Décor nhằm tạo sự thay đổi tích cực đối với các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa và việc tái chế chúng tại quốc gia và trong khu vực. Nhiều nước châu Á đang bùng nổ nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng nhưng thiếu cơ sở hạ tầng để xử lý rác thải, nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines (theo dữ liệu từ Tổ chức Bảo vệ đại dương và Trung tâm McKinsey về doanh nghiệp và môi trường).
Theo Diệu, tái chế không chỉ dừng lại ở việc làm ra những sản phẩm đơn giản, mà cả tạo ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và ứng dụng cao như vật dụng nội thất, trang trí. Reborn Décor đã tổ chức thành công triển lãm nội thất bền vững tại TP.HCM hồi cuối năm 2023, trưng bày và bán đấu giá 20 sản phẩm nội thất được làm hoàn toàn bằng nhựa tái chế. Lợi nhuận được sử dụng để xây dựng khu vui chơi xanh tại BV Nhi đồng Đồng Nai cho gần 800 bệnh nhi.
Dự án này được Quỹ Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, đoạt giải nhì cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa”, được nhiều đơn vị đối tác đồng hành như Audi Vietnam, Pepsico... Với những thành tích đáng ghi nhận này, có thể thấy rằng Reborn Décor là dự án có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
“Mục tiêu lớn nhất của dự án là nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy lối sống bền vững thông qua việc tái chế hay sử dụng các vật dụng tái chế để kéo dài vòng đời của nhựa trong đời sống” - Diệu chia sẻ.
Tại Myanmar, bạn Thae Su Aye và nhóm bạn đồng hành cùng thành lập tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Thant Myanmar nhằm triển khai các chiến dịch và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, quản lý rác thải, khảo sát và nghiên cứu... Thant Myanmar đã triển khai nhiều chương trình, chiến dịch giáo dục cộng đồng về tác động của rác thải nhựa đối với sức khỏe, môi trường và sinh kế, cách phân loại rác thải, ủ phân và thiết lập hệ thống quản lý rác thải bền vững tại nơi sinh sống.
Đối tác chính của Thant Myanmar là Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, các công ty tư nhân đang nghiên cứu và phát triển các biện pháp giảm thiểu rác thải... Hiện Thae và cộng sự vẫn đang tích cực triển khai các hoạt động thực tế như gom rác, tuyên truyền... tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ở Myanmar.
Thời trang bền vững
Cùng hoạt động vì môi trường, bạn Bùi Thị Thơm (cựu sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, trường ĐH Ngoại thương) cùng nhiều thanh niên Đông Nam Á ở Việt Nam, Singapore và Đài Loan thành lập dự án Le Eco Chic thuộc khuôn khổ chương trình “Thủ lĩnh trẻ châu Á vì khí hậu và môi trường”. Dự án phối hợp hoạt động với các tổ chức quốc tế The Earthshot Prize (giải thưởng môi trường do Hoàng tử Anh William phát động), Quỹ Temasek Foundation (Singapore) và American Express (Mỹ).
Thông qua Le Eco Chic, Thơm cùng các cộng sự sử dụng vải sợi dứa thân thiện với môi trường từ công ty sợi eco (ECOSOI), Công ty Lụa Vụn Art (sử dụng những mảnh vải lụa thừa từ làng lụa Vạn Phúc), đơn vị may mặc Amreborn (Tôi tái sinh) để tạo ra bộ sưu tập thời trang bền vững “Neo-Vietnamese Floral Touch” (Tân thời nét hoa) lấy cảm hứng từ áo dài của Việt Nam. Buổi triển lãm áo dài dự kiến sẽ được tổ chức tại Singapore vào cuối tháng 3 năm nay, nhằm vừa thúc đẩy thông điệp bảo vệ môi trường hướng tới các chất liệu bền vững, vừa quảng bá nét đẹp của áo dài tới bạn bè khu vực. Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp thời trang bền vững ở Việt Nam được biết đến rộng rãi hơn.
“Mục tiêu lớn nhất của dự án là tạo ra những sản phẩm thời trang bền vững thời thượng, hiện đại và trẻ trung từ rác thải thời trang hoặc những vật liệu thân thiện với môi trường. Chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức và mức độ quan tâm của các bạn trẻ về tiêu dùng thời trang thông minh hướng tới một tương lai bền vững” - Thơm chia sẻ.
Theo bạn Rishab Sharma người Singapore, đồng sáng lập Le Eco Chic: “ngoài việc tạo ra trang phục thân thiện với môi trường, chúng tôi hy vọng có thể định hình thói quen và nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là gen Z và gen Y, những người đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy những thay đổi bền vững”.•
Bạn trẻ “bén duyên” với môi trường thế nào?
Đối với các bạn trẻ, quan tâm, tìm hiểu rồi bắt tay hành động góp phần bảo vệ môi trường là một quá trình có nhiều điều đáng nói. Một số bạn trẻ đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về hành trình của mình.
Bạn Thae Su Aye, Giám đốc chương trình nông thôn tại Thant Myanmar, cho biết bạn xuất thân là cử nhân ngành quản trị du lịch tại Myanmar, bén duyên với lĩnh vực môi trường khi dự lớp học về “bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên” trong khoa.
“Điều đó mở ra cánh cửa trong tâm trí tôi. Chúng ta dựa vào môi trường để có được những nguồn tài nguyên thiết yếu như không khí sạch, nước sạch, thức ăn và nơi ở. Sự sống còn và hạnh phúc của chúng ta có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự bền vững của hệ sinh thái xung quanh. Tôi muốn làm nhiều điều hơn cho môi trường. Thay vì làm hướng dẫn viên du lịch, tôi chọn làm người bảo vệ cái đẹp” - Thae chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường hôm nay cũng là vì tương lai của con em sau này.
Với bạn Huỳnh huyền Diệu, “chúng ta không thể phát triển nếu môi trường sống không được sạch đẹp và bền vững” và bạn bắt đầu từ các hành động nhỏ nhất thường ngày như sử dụng bình nước cá nhân, mang túi vải khi mua sắm... Là sinh viên ngành quan hệ quốc tế, Diệu cũng hướng tới mục tiêu trở thành công dân toàn cầu và môi trường là một lĩnh vực giúp Diệu dễ đạt được mục tiêu này.
“Môi trường hiện nay là chủ đề được quan tâm lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Hoạt động trong lĩnh vực này giúp mình dễ tiếp cận cũng như dễ giao tiếp hơn với thanh niên thế giới, đặc biệt là với các bạn trẻ yêu môi trường” - Diệu chia sẻ.