Theo kết quả giám sát, trong việc này Bộ Nội vụ, Bộ Công thương đã không làm hết trách nhiệm khi phê duyệt điều lệ của VFA. Vì thế VFA đã có những nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp như: hướng dẫn giá các loại gạo xuất khẩu; tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê xuất nhập khẩu; hướng dẫn và điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng gạo - là những hoạt động của nhà nước (lâu nay). Mặt khác, việc VFA ban hành quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, theo Ban Dân nguyện, thực chất là chi phối hoạt động xuất khẩu gạo không chỉ với thành viên VFA mà tới cả những thương nhân khác và cơ quan nhà nước (như hải quan).
Nói thẳng là tổ chức xã hội này lạm quyền!
Nhiều nông dân và doanh nghiệp từng hồi hộp theo “thăng trầm” của giá gạo xuất khẩu chắc sẽ hồ hởi với quyết định này, bởi nhà nước sẽ chính thức ra tay, giải thoát sự bức xúc lâu nay mang tên VFA. Dù vậy, không phải không có những băn khoăn về việc trả lại quyền điều hành xuất khẩu gạo cho Bộ Công thương. Bởi lẽ việc cơ quan hành chính ôm lại những dịch vụ công theo hướng xin-cho mà xã hội đã đảm nhiệm được không phải là xu thế cần khuyến khích, nhất là nghị định về hội vừa ban hành đã nới thêm nhiều quyền vốn là độc quyền của nhà nước cho các tổ chức dân sự...
Tuy thế, những bức xúc do VFA gây nên là không thể bàn cãi, mà cụ thể là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” - sự không độc lập của lãnh đạo chủ chốt VFA khi điều hành. Chủ tịch VFA đồng thời là lãnh đạo một tổng công ty lương thực thì dĩ nhiên khó tránh khỏi việc ông ta sẽ phân bổ số lượng gạo xuất khẩu cho doanh nghiệp mình và các hội viên “cánh hẩu” ưu ái hơn doanh nghiệp khác. Trong khi đó, Hội đồng quản trị VFA lại đưa ra các điều kiện kết nạp hội viên khá ngặt nghèo, có vẻ như để hạn chế các doanh nghiệp khác tham gia VFA, tham gia xuất khẩu gạo theo hợp đồng của Chính phủ.
Người ta mong rằng sau sự cố VFA sẽ không có những bức xúc tương tự!
BẰNG LĨNH