Nơi được người dân tìm đến mỗi khi bức xúc

Bà NTD đến văn phòng ban điều hành khu phố 1 (phường 5, quận 3, TP.HCM) để trình bày bức xúc việc nhà bà bị người khác tạt mắm tôm và đề nghị tổ tư vấn chỉ cách làm đơn thưa kẻ xấu.

Mỗi lần tổ tư vấn đề nghị bình tĩnh, bà D. lại nổi nóng mắng mọi người bênh kẻ xấu. Ông Phạm Văn Ngọc (tổ trưởng tổ tư vấn) rót cho bà một ly nước, hỏi thăm cuộc sống của gia đình bà. Sau một hồi trút hết ấm ức, bà D. nghe lời ông đi về và hứa không qua kiếm chuyện với hàng xóm.

Sau vài tuần bà D. lại đến gặp ông Ngọc nhưng chỉ để hỏi cách thức vay vốn, xin tư vấn thủ tục chuyển nhượng tài sản, sau đó vui vẻ báo cho tổ tư vấn rằng “đã êm hết rồi”. Nhưng những vụ tư vấn này không được lưu vào nhật ký của tổ bởi nó quá… đơn giản.

Giúp nhiều ca khó

Cách đây hai năm, một người đàn ông đứng tuổi tên NVĐ ở hẻm 306 đường Võ Văn Tần đến nhờ tổ tư vấn giúp giải quyết một việc theo ông là “rối hơn canh hẹ”. Vợ chồng, con cái của ông ở chung với cha mẹ ông cùng gia đình của người em. Đến khi cha mẹ mất, em ông đại diện đứng tên trong sổ đỏ.

Tuy nhiên, kể từ khi ông đau ốm, em của ông có ý muốn đuổi ông và các con về quê để chiếm căn nhà. Người em cho rằng mình có quyền sở hữu bởi đã nắm hết giấy tờ nhà.

Ông Ngọc đến tận nơi để trò chuyện với cả hai bên, khuyên cả hai hòa thuận với nhau vì tình nghĩa anh em. Mặt khác, nếu phải tranh chấp, ông cũng giải thích người được đứng tên đại diện không có nghĩa có toàn quyền định đoạt tài sản, tài sản vẫn phải chia đều cho các đồng thừa kế nếu không có di chúc. Ông giở luật đất đai và luật thừa kế ra nói vanh vách, không ai cự nự gì nữa.

Ông cũng hướng dẫn ông Đ. lập di chúc thừa kế quyền lợi về tài sản cho con để phòng khi ông mất sớm, con ông cũng không bị đuổi ra đường.

Ông Đ. nói: “Thực ra tôi ở chỗ khác nhưng được mấy người chỉ lại khu phố 1 để được tư vấn nên tôi mới tới đây”.

Ông Ngọc đến tận nhà tư vấn cho một gia đình đang có tranh chấp. Ảnh : H.MINH

Đến nay đại gia đình ông Đ. và gia đình người em vẫn ở chung và hòa thuận, không phát sinh mâu thuẫn.

Cảm động vì từ sự tư vấn của ông Ngọc mà gia đình êm ấm hơn, vợ chồng ông NVĐ đem một ít tiền đến “bồi dưỡng” nhưng ông Ngọc bắt phải cầm về. Từ đó, hễ có việc gì gia đình ông lại tìm đến tổ tư vấn để được giúp đỡ.

Học luật để tư vấn luật

Ông Phạm Văn Ngọc (68 tuổi), nguyên là chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 3. Sau đó vì việc riêng ông xin nghỉ việc nhưng vẫn gắn bó với các hoạt động đoàn thể ở địa phương.

Năm 2012, ông làm tổ trưởng tổ tư vấn cộng đồng ở địa phương. Công việc này không có lương, những ai tham gia chỉ tự nguyện làm vì yêu thích.

Ông Ngọc nói: “Để tư vấn được cho người dân thì phải biết luật. Tôi mua các sách luật về tự học. Hễ có gì không hiểu tôi tìm đến hội luật gia để hỏi hoặc gọi cho cán bộ tư pháp phường”.

Có nhiều vụ việc sau khi nghe dân trình bày xong, ông hẹn hai ngày sau quay lại. Trong hai ngày đó, ông đi tìm luật gia để hỏi. Ông nói: “Pháp lý có rất nhiều cái rắc rối. Nếu mình ngại khó thì sẽ tự thua. Còn khi hiểu được rồi thấy vui lắm, nên người dân chịu nghe. Có nhiều người ở quận khác cũng chạy qua đây nhờ tư vấn”.

Có nhiều vụ việc khá phức tạp, ông Ngọc cùng tổ tư vấn phải chạy tới chạy lui để xác minh khá vất vả, dù không có thù lao. Chỉ khi nào khó quá thì mới hướng dẫn người dân lên cấp cao hơn.

Ông Ngọc nhắc lại trường hợp của bà NTD, trước đây bà từng có “thâm niên” đi khiếu nại. Hễ có chuyện gì ấm ức là bà đi khiếu nại miết, phường trả đơn này bà làm đơn khác, cơ quan này trả đơn bà đi đến cơ quan khác. Nhưng khi được tổ tư vấn “thủ thỉ” chỉ rõ đơn nào có cơ sở, cái nào không nên làm, nay bà D. đã không còn đi khiếu nại lung tung nữa.

Những người khác nếu đơn có cơ sở sẽ được hướng dẫn đi đúng nơi, đúng tuyến. Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết có những vụ việc ông hướng dẫn người dân làm nhưng một thời gian dài vẫn không có kết quả khiến ông rất buồn.

Chị Bùi Thị Thêm hiện nay là tổ trưởng tổ hội phụ nữ số 9, phường 5, quận 3 chia sẻ với các chị em rằng nếu có vấn đề gì không giải quyết được cứ chạy lên gặp tổ tư vấn cộng đồng. Bởi bản thân đã vượt qua quá khứ đau khổ nhờ được giúp đỡ tại đây.

Chị Thêm quê Bến Tre, chị lên TP.HCM làm thuê rồi lấy chồng TP. Dù ở với nhau đã có hai con nhưng anh rất hay ghen tuông. Chị làm lao công trong bệnh viện. Hôm nào phải làm đêm là chồng chị nổi nóng và nghĩ ra nhiều cách bạo hành, xúc phạm vợ rất đáng sợ.

Chị đến tổ tư vấn cộng đồng kể hết nỗi đau lòng của mình. Tổ tư vấn đến gặp chồng chị nhưng anh bất hợp tác. Sau một thời gian theo dõi, đánh giá tình hình, tổ tư vấn khuyên chị Thêm ly hôn để giải phóng cho bản thân và cả con cái của chị nữa.

Ông Ngọc tìm học bổng cho con của chị Thêm. Tổ tư vấn giới thiệu chị vay vốn từ nguồn vốn của hội phụ nữ để buôn bán nhỏ, có thêm thu nhập. Chị vui vẻ nói: “Hồi đó không dám ly hôn vì nghĩ phụ nữ ly hôn thì người đời dị nghị. Nhưng giờ thì tôi cảm thấy rất thanh thản, vui vẻ. Bây giờ chỉ tập trung lo cho các con”.

______________________

100 trường hợp có hồ sơ được tổ tư vấn cộng đồng tư vấn mỗi năm, không kể những vụ việc tư vấn tại chỗ.

_______________________________

Phường có bốn tổ tư vấn cộng đồng. Các tổ này đã giúp cho phường giảm áp lực trong giải quyết đơn thư khiếu nại của dân. Riêng ông Phạm Văn Ngọc rất có trách nhiệm và yêu thích công việc nên công việc tư vấn ở tổ này rất hiệu quả, được người dân tín nhiệm. Ông thường xuyên trực tại ban điều hành khu phố nên người dân đến liên hệ rất dễ dàng.

ĐẬU THỊ QUỲNH LIÊN,
Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm