Sáng 18-5, lính Ukraine ở Azovstal được đưa đến Donetsk; EU tuyên bố không để Ukraine cạn kiệt vũ khí; Tình báo Nga nói Mỹ tuyển mộ IS đến chiến đấu ở Ukraine.
Lính Ukraine ở Azovstal được đưa đến gần Donetsk
Hãng tin Reuters ngày 17-5 dẫn lời một nhân chứng cho biết 7 xe buýt sơ tán các binh sĩ Ukraine bị thương ở nhà máy thép Azovstal (TP Mariupol, Ukraine) đã đến thị trấn Olenivka thuộc huyện Kalmiuske trong tỉnh Donetsk do Nga kiểm soát.
7 xe buýt sơ tán các binh sĩ Ukraine bị thương ở nhà máy thép Azovstal đã đến thị trấn Olenivka thuộc tỉnh Donetsk do Nga kiểm soát. Ảnh: REUTERS |
Phía Nga cho biết nhiều người trong số nhóm quân Ukraine được sơ tán khỏi Azovstal là thành viên của Tiểu đoàn Azov.
Cùng ngày, hãng thông tấn TASS đưa tin Ủy ban Điều tra Nga đã lên kế hoạch thẩm vấn số quân Ukraine này, nhằm điều tra về cái mà Moscow gọi là "tội ác của chế độ Ukraine".
EU sẽ không để Ukraine cạn kiệt vũ khí
Ngày 17-5, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Josep Borrell khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ không để Ukraine cạn kiệt trang thiết bị trong xung đột với Nga, theo đài RT.
Ông Borrell có phát ngôn này sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng châu Âu. Cũng theo ông Borrell, Nga có thể đã phải hứng chịu "những tổn thất đáng kể" kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Josep Borrell - Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: AA/GETTY IMAGES |
Theo ông, khoảng 15% quân số của Nga đã thương vong. Tuy nhiên, khi được hỏi xung đột có thể kéo dài bao lâu, ông nói rằng: "Tôi không dám ra một giả thuyết về việc liệu Nga có thể kháng cự trong bao lâu”.
Ngày 13-5, ông Borrell đã thông báo một gói viện trợ trị giá 526 triệu USD sẽ được gửi tới Kiev, nâng tổng số tiền cam kết lên 2,11 tỉ USD. Ông cho biết số tiền đủ để mua vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo, đồng thời ông cũng lạc quan rằng liên minh sẽ đạt được một thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.
Tình báo Nga nói Mỹ tuyển mộ phần tử IS đến chiến đấu ở Ukraine
Theo Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) của Nga ngày 17-5, Mỹ đã “tích cực tuyển mộ” những kẻ khủng bố để chiến đấu ở Ukraine. Moscow nói rằng điều này cho thấy Washington sẵn sàng “sử dụng bất kỳ phương tiện nào để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình”, theo RT.
SVR cho biết theo thông tin tình báo mà họ nhận được, Mỹ đang tích cực tuyển mộ thậm chí cả thành viên của các tổ chức khủng bố quốc tế, bao gồm cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) bị cấm hoạt động ở Nga, làm lính đánh thuê tham gia xung đột ở Ukraine.
Theo Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga, Mỹ có một căn cứ quân sự ở Syria có tên al-Tanf, nằm sát biên giới với Jordan và Iraq. Căn cứ này và khu vực xung quanh đã biến thành một loại "trung tâm" khủng bố, nơi có thể "cải tạo" một lúc 500 phần tử IS và các chiến binh thánh chiến khác.
Theo Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga, vào tháng trước, 60 phần tử IS đã được thả khỏi các nhà tù do người Kurd ở Syria kiểm soát, được chuyển đến al-Tanf để cải tạo và cuối cùng sẽ được đưa đến Ukraine".
Trong một khóa đào tạo tại al-Tanf, các phần tử khủng bố được hướng dẫn cách sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng, máy bay không người lái trinh sát và tấn công, thiết bị liên lạc và giám sát tiên tiến.
Theo quan điểm của Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga, điều này cho thấy rằng “Mỹ sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương tiện nào để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình, không loại trừ việc tài trợ cho các nhóm khủng bố quốc tế”.
Nga: Phương Tây không hề quan tâm Ukraine
Ngày 17-5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói về những gì ông tin là thái độ thực sự của các cường quốc phương Tây đối với Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra ở nước này, theo RT.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: AFP |
Theo ông Lavrov, “không ai quan tâm đến Ukraine", Ukraine là một thứ vật chất "có thể được khai thác" trong cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga.
Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại các phát ngôn trước đó của phương Tây. Theo đó, khi đề cập cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev hồi tháng trước, ông Borrell khẳng định rằng "cuộc chiến này sẽ có chiến thắng trên chiến trường".
Ông Lavrov nói rằng các tuyên bố như vậy có nghĩa là “Họ [Mỹ, EU và các đồng minh] đã tuyên bố chiến tranh, và cuộc chiến không phải giữa Nga và Ukraine, mà là giữa phương Tây và Nga”.
Nga chính thức rút khỏi Hội đồng các quốc gia biển Baltic
Ngày 17-5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đã ra quyết định chính thức rút khỏi Hội đồng các quốc gia biển Baltic (CBSS), theo TASS.
"Để đáp lại các hành động thù địch, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gửi thông điệp tới đặc phái viên của các quốc gia thành viên CBSS, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Josep Borrell, cũng như Ban Thư ký Hội đồng ở Stockholm, thông báo cho họ về việc [Nga] rút khỏi tổ chức" - theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.
"Quốc hội Liên bang Nga cũng đã quyết định rút khỏi Hội nghị Nghị viện biển Baltic" - thông báo viết thêm.
Tuy nhiên, Moscow nhấn mạnh rằng quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Nga trong khu vực.
"Những nỗ lực nhằm đẩy đất nước chúng tôi ra khỏi Baltic chắc chắn sẽ thất bại" - phía Nga cho biết thêm.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết CBSS đang xuống cấp. Các quốc gia thành viên trong Hội đồng đã từ chối "đối thoại bình đẳng", và họ dần biến hội đồng thành một công cụ chống lại Nga.
Theo Bộ, Nga đã bị cấm tham gia và các dự án của Hội đồng, trong khi Belarus bị "đình chỉ" tư cách quan sát viên.