Nóng Nga-Ukraine sáng 3-6: Nga nắm 1/5 lãnh thổ Ukraine, Moscow tuyên bố cam kết của Kiev và phương Tây ‘vô giá trị’

(PLO)- Quân Kiev đạt một số thành công ở Severodonetsk, Nga nắm 1/5 lãnh thổ Ukraine; Nga nói cam kết của Kiev và phương Tây là ‘vô giá trị’; Thụy Điển gửi tên lửa chống hạm tới Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quân Kiev đạt một số thành công ở Severodonetsk, Nga nắm 1/5 lãnh thổ Ukraine

Ngày 2-6, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng Ukraine đã có một số thành công trong các cuộc giao tranh với quân Nga ở TP Severodonetsk (tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine) nhưng tình hình quân sự tổng thể ở khu vực Donbas không vẫn không thay đổi quá nhiều, hãng Reuters đưa tin.

"Tình hình ở Donbas không thay đổi đáng kể trong 24 giờ qua. Chúng tôi đã đạt được một số thành công trong các đợt giao tranh ở Severodonetsk" - ông Zelensky nói.

Ông Zelensky cũng cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã hứa gửi tên lửa cho Kiev và cho biết ông mong đợi tin tốt về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine từ các đối tác khác.

Lực lượng thân Nga di chuyển bằng thiết giáp trên đường phố tỉnh Luhansk, Ukraine vào ngày 2-6. Ảnh: REUTERS

Lực lượng thân Nga di chuyển bằng thiết giáp trên đường phố tỉnh Luhansk, Ukraine vào ngày 2-6. Ảnh: REUTERS

Chiến sự đã bước sang ngày thứ 100, bất chấp việc Nga lên án Washington đang "đổ thêm dầu vào lửa" bằng gói viện trợ vũ khí trị giá 700 triệu USD mới cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa tiên tiến có tầm bắn lên tới 80 km. Ông Zelensky vẫn kêu gọi thêm vũ khí của phương Tây để giúp Ukraine giành ưu thế trong cuộc chiến.

Các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga, dưới sự yểm trợ của pháo hạng nặng, đã kiểm soát phần lớn TP Severodonetsk và giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Ông Zelensky nói thêm rằng các lực lượng Nga hiện đã kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine, và chiến tuyến hiện đã dài hơn 1.000 km.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh, sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, TP Severodonetsk hiện nay phần lớn đã thành đống đổ nát. Phía Ukraine cho biết rằng ngoài cuộc tấn công vào Severodonetsk, quân đội Nga cũng đang tấn công các khu vực khác ở phía đông và đông bắc Ukraine.

Theo Reuters, việc kiểm soát được cá TP Severodonetsk và Lysychansk của tỉnh Luhansk sẽ giúp Nga kiểm soát toàn bộ tỉnh này.

Theo tỉnh trưởng tỉnh Donetsk - ông Pavlo Kyrylenko, các lực lượng Nga cũng đang cố gắng tiến về phía nam tới các TP Kramatorsk và Sloviansk do Ukraine nắm giữ ở tỉnh Donetsk.

Nga nói cam kết của Kiev và phương Tây ‘vô giá trị’

Theo hãng thông tấn TASS, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova nói rằng cam kết của Kiev về việc không sử dụng các hệ thống tên lửa phóng nhiều lần của Mỹ nhắm mục tiêu vào Nga là “vô giá trị” và kêu gọi không nên tin tưởng.

Trả lời câu hỏi về vấn đề này trong chương trình Soloviev Live hôm 2-6, bà cho biết thật “vô ích” khi phải cân nhắc những lời hứa của ông Zelensky, đồng thời nói thêm rằng bất cứ điều gì Tổng thống Ukraine hay các nhà lãnh đạo phương Tây nói đều không thể được coi là có giá trị nữa.

"Những lời này không phải là lời hứa vô giá, mà là vô giá trị" - bà Zakharova tuyên bố.

Trước đó, một đại diện của Mỹ nói rằng chính quyền Ukraine đã đảm bảo với Washington rằng Kiev sẽ không sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ viện trợ để nhắm mục tiêu vào Nga.

Thụy Điển gửi tên lửa chống hạm tới Ukraine

Ngoại trưởng Thụy Điển - bà Ann Linde đã thông báo trên Twitter rằng chính phủ Thụy Điển sẽ chuyển một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong bối cảnh chiến sự leo thang, theo hãng thông tấn Ukrinform.

"Thụy Điển sẽ gửi tên lửa chống hạm, vũ khí chống tăng, súng trường 12,7 mm và đạn dược cho Ukraine. Gói hỗ trợ thứ 4 này cũng bao gồm một khoản tài chính cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Tổng số tiền viện trợ hơn 95 triệu euro" - bà Linde cho hay.

Bà cũng kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine.

Ngày 1-6, Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) - ông Juergen Stock cho biết vũ khí mà Washington và các đồng minh ở châu Âu gửi tới Kiev có khả năng trở biến Ukraine thành thị trường chợ đen toàn cầu. Theo ông, nhiều nhóm tội phạm đã để mắt đến những vũ khí này, đài RT đưa tin.

Ông Stock kêu gọi các quốc gia thành viên Interpol tích cực hợp tác trong việc truy vết các vũ khí được giao cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng những bên cung cấp vũ khí phải đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này.

Người đứng đầu Interpol cũng nói rằng một "làn sóng" không chỉ vũ khí nhỏ mà cả vũ khí hạng nặng sẽ tràn ngập thị trường chợ đen quốc tế ngay sau khi xung đột giữa Moscow và Kiev kết thúc.

“Một khi chiến sự kết thúc, vấn đề buôn bán vũ khí bất hợp pháp sẽ xảy ra. Chúng tôi đã thấy điều này qua nhiều cuộc xung đột khác” - ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các nhóm tội phạm sẽ cố gắng “lợi dụng những tình trạng hỗn loạn này” để có được các loại vũ khí “được quân đội sử dụng và cả vũ khí hạng nặng”.

Mỹ trừng phạt “người giữ tiền” của ông Putin

Reuters đưa tin rằng ngày 2-6, Washington đã trừng phạt thêm các cá nhân và thực thể Nga, gồm một người bạn thân của ông Putin và công ty chuyên cung cấp du thuyền hạng sang cho giới thượng lưu Moscow.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này đã giáng đòn trừng phạt vào ông Sergei Roldugin - người được cho là "người giữ tiền” của ông Putin, vợ ông Roldugin - ca sĩ Elena Mirtova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova, và một số công ty du thuyền lớn mà Mỹ cho là có liên quan ông Putin.

Góp mặt trong “danh sách đen” của Mỹ còn có một số quan chức chính phủ cấp cao và các doanh nhân Nga, các máy bay và một du thuyền sang trọng có liên quan tới ông Andrei Kostin - Giám đốc Ngân hàng VTB, một trong những ngân hàng lớn nhất Nga.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ còn liệt khoảng 70 công ty Nga vào danh sách hạn chế tiếp cận công nghệ và hàng hóa quan trọng của Mỹ.

Theo cơ quan này, các biện pháp trừng phạt mới nhằm "làm suy giảm các mạng lưới quan trọng mà giới tinh hoa của Nga, bao gồm ông Putin, sử dụng để cố gắng che giấu, chuyển tiền và sử dụng các tài sản xa xỉ trên thế giới một cách ẩn danh".

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra phê duyệt cuối cùng đối với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào dầu mỏ của Nga và Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga. Gói trừng phạt thứ 6 này hướng đến việc cắt giảm đến 90% dầu Moscow được nhập vào châu Âu trước năm 2023 và loại Sberbank ra khỏi hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm