Nóng ran kỳ họp HĐBA LHQ do ông Lavrov chủ trì

(PLO)- Kỳ họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do ngoại trưởng Nga chủ trì diễn ra gay gắt và kịch tính khi các đại diện Nga và phương Tây liên tục cáo buộc lẫn nhau chà đạp lên Hiến chương Liên Hợp Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự chú ý của cộng đồng thế giới dồn về kỳ họp Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 25-4 tại New York (Mỹ) dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với tư cách nước chủ tịch luân phiên tháng 4.

Không ngoài dự đoán của giới quan sát, kỳ họp diễn ra hết sức kịch tích và căng thẳng khi phía Nga và khối đồng minh phương Tây như Mỹ, Liên minh châu Âu chỉ trích, lên án, cảnh cáo lẫn nhau không ngừng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

“Phương Tây chỉ là thiểu số trong thế giới đa phương”

Kỳ họp được tổ chức với chủ đề “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua việc bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ” và các bên liên tục cáo buộc lẫn nhau chà đạp lên Hiến chương LHQ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield yêu cầu phía Nga trả tự do cho nhà báo Mỹ Evan Gershkovich và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan đang bị Nga giam giữ.

Tại kỳ họp, ông Lavrov đã một mình đối đầu và có những phát ngôn hết sức gay gắt với khối đồng minh phương Tây, theo đài RT.

Ông Lavrov chỉ trích kịch liệt rằng “một số thành viên LHQ” đang gây khủng hoảng cho trật tự thế giới lấy Hiến chương LHQ làm trung tâm khi định thay thế luật pháp quốc tế bằng “trật tự dựa trên luật lệ” của các nước này, thông qua các biện pháp từ vũ lực quân sự đến cấm vận, trừng phạt tài chính…

Vị ngoại trưởng Nga cáo buộc thẳng thừng Mỹ vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ với chuỗi “cuộc phiêu lưu” của quân đội Mỹ từ Nam Tư và Iraq đến Libya, can thiệp vào công việc của các quốc gia hậu Xô Viết. Ông Lavrov đổ lỗi cho Mỹ làm trầm trọng thêm các thách thức địa chính trị trên thế giới, trong đó có căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nhấn mạnh rằng phương Tây chỉ là thiểu số trong thế giới đa phương, ông Lavrov yêu cầu cộng đồng thế giới không được để “thiểu số” này có quyền lên tiếng cho toàn thế giới và quyết định trật tự toàn cầu. Ông Lavrov cảnh báo rằng thế giới đang ở ngưỡng “có thể còn nguy hiểm hơn” so với thời Chiến tranh lạnh và “tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương”.

Cảnh báo rằng phương Tây đang thực hiện một “nỗ lực trắng trợn nhằm khuất phục” LHQ, ông Lavrov yêu cầu tổ chức này “phải thích ứng với các xu hướng khách quan” để có được chủ nghĩa đa phương chân chính. HĐBA nên được cải tổ để tăng cường đại diện của châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, vì “sự đại diện thái quá” hiện nay của phương Tây “làm suy yếu nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương”.

Nhấn mạnh cuộc xung đột ở Ukraine hoàn toàn không phải về Ukraine, mà về tương lai của trật tự toàn cầu, ông Lavrov nhắc lại mục tiêu chiến dịch quân sự của Nga là nhằm loại bỏ mối đe dọa đối với an ninh do NATO gây ra.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutterres (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (giữa) chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) vào ngày 24-4. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutterres (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (giữa) chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) vào ngày 24-4. Ảnh: SPUTNIK

Nguy cơ xung đột ở mức cao

Ngồi cạnh ông Lavrov tại kỳ họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án hành động quân sự của Nga với Ukraine là sự “vi phạm” luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Ông chỉ trích mạnh chiến dịch quân sự của Nga gây đau khổ và tàn phá lớn ở Ukraine, làm trầm trọng thêm sự xáo trộn kinh tế toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng nhiều vì đại dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.

Vị tổng thư ký LHQ thừa nhận thế giới đang phải đối mặt với “những cuộc khủng hoảng đan xen và chưa từng có” và “hệ thống đa phương đang bị căng thẳng hơn bất cứ lúc nào kể từ khi thành lập LHQ”, cảnh báo rằng nguy cơ xung đột giữa các cường quốc toàn cầu đang ở “mức cao lịch sử” do hành động và tính toán sai lầm.

Một loạt thành viên HĐBA, trong đó có Mỹ, Pháp và Anh, đã lên án Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield gọi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là “cuộc chiến bất hợp pháp, vô cớ và không cần thiết” và “không bao giờ được chấp nhận”.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ Olof Skoog cũng “hoài nghi” sự chân thành của Nga khi “cố gắng thể hiện mình là người bảo vệ Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương”. Đại diện cho 27 quốc gia EU, ông Skoog tuyên bố Nga phải rút quân “ngay lập tức” khỏi Ukraine như nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, vì “đó là cách đầu tiên để chứng minh” việc “Nga quan tâm đến chủ nghĩa đa phương hiệu quả”.

Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward, đại diện thường trực của Nhật tại LHQ Ishikane Kimihiro cũng lên án mạnh chiến dịch của Nga và yêu cầu Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine.•

Nga dọa không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Ngày 24-4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine sẽ kết thúc trừ khi phương Tây thực thi nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.

“Chúng tôi tin rằng nó không thể được gia hạn nếu không được đáp ứng các yêu cầu” - ông Peskov nói với hãng tin RIA Novosti tại điện Kremlin.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được ký kết giữa Nga và Ukraine hồi tháng 7-2022, vừa được gia hạn hồi tháng 3 và sẽ hết hạn vào ngày 18-5 tới. Thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, thiết lập các hành lang ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Ukraine nhưng cũng yêu cầu Mỹ và các đồng minh bỏ chặn việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Tại phiên họp HĐBA LHQ ngày 24-4, Tổng thư ký LHQ Guterres thúc giục tiếp tục thực hiện thỏa thuận này và cả một hiệp ước liên quan, trong đó LHQ cam kết giúp tạo điều kiện thuận lợi cho Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm