Chiều 7-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp đột xuất phòng, chống dịch COVID-19 của TP sau khi xuất hiện một số ca bệnh dương tính lần 1 với COVID-19 có liên quan đến bệnh nhân 243 - người từng đến BV Bạch Mai.
“Đến nay TP ghi nhận 103 ca bệnh, trong đó có 48 ca liên quan đến BV Bạch Mai. Hiện dịch bệnh từ ổ dịch BV Bạch Mai đã liên quan đến 12 tỉnh, thành và lan ra 13/30 quận, huyện của TP mà gần đây nhất là ở huyện Mê Linh với ca bệnh mới có diễn biến vô cùng phức tạp…” - ông Chung thông tin.
Qua việc bệnh nhân sau khi đến khai báo dịch tễ vẫn có thể đi lại, Chủ tịch UBND TP phân tích rõ: “Như trường hợp ca bệnh ở huyện Mê Linh. Chúng ta đang có cách hiểu nhầm lẫn, trong Công điện 01, 02 đã yêu cầu xác minh toàn bộ trường hợp có yếu tố liên quan đến BV Bạch Mai và phải có quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, quyết định cách ly ngày nào thì phải tính thời gian cách ly 14 ngày từ ngày đó trở đi, chứ không phải tính quyết định cách ly từ ngày người đó vào BV Bạch Mai”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo đó, Chủ tịch Hà Nội cho rằng huyện Mê Linh đang hiểu chưa đúng về công điện này. Nếu như huyện phát hiện trường hợp này từ ngày 30-3 và ra quyết định thì phải đến ngày 13-4, bệnh nhân này mới được đi lại. Chủ tịch cho rằng đây là một lỗ hổng dẫn đến hậu quả bệnh nhân sau khi đến khai báo vẫn đi lại.
Từ đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị của TP phải tiếp tục rà soát lại những trường hợp đã phát hiện, những trường hợp mới và ra quyết định cách ly tại nhà tính từ ngày địa phương phát hiện được, chứ không phải tính từ ngày họ vào BV Bạch Mai, đồng thời khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm.
“Các trường hợp liên quan đến yếu tố “Bạch Mai” phải được giám sát chặt chẽ quá trình đi lại, tiếp xúc… khi có đủ số lượng test nhanh, TP sẽ tổ chức xét nghiệm tất cả trường hợp” - ông Chung nhấn mạnh.
Theo ông Chung, BV Bạch Mai có 2.265 người là cán bộ y tế. Trong 120 nhân viên Công ty Trường Sinh và Công ty Hoàn Mỹ thì có 26 người đều ăn, ngủ trong BV Bạch Mai. Theo tính toán thì có 0,7% người làm việc trong bệnh viện bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, có 8/6.562 người đến chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh, chiếm khoảng 0,1%. Có năm khoa trong bệnh viện có người mắc bệnh. Có trường hợp lây nhiễm chéo và có trường hợp F3 trở thành F0... vì vậy diễn biến của dịch này còn đang rất phức tạp.
Ông Chung cũng nhắc lại yêu cầu các đơn vị phải tập trung rà soát lại toàn bộ người có yếu tố liên quan đến BV Bạch Mai; các trường hợp F1 phải được đưa đi cách ly kịp thời, tất cả phải được xét nghiệm ngay cả bằng test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Nhấn mạnh Hà Nội vẫn là địa bàn "nóng" nhất trên cả nước do nguồn gốc các ca nhiễm COVID-19 tại BV Bạch Mai vẫn chưa được làm triệt để, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguồn gốc bệnh cũng như tình trạng lây nhiễm chéo giữa các ca và các khoa, phòng. Đồng thời, công bố công khai sơ đồ bệnh để người dân nắm rõ, phòng ngừa và thấy được sự nguy hiểm của ổ dịch…
“Dân số của Hà Nội tương đương dân số của Vũ Hán (Trung Quốc) và New York (Mỹ) nhưng hệ thống y tế kém hơn, nguồn lây nhiễm cũng nguy cơ cao nên tất cả đơn vị đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan. Nếu để dịch bệnh bùng phát lây lan, chúng ta sẽ trở tay không kịp” - Chủ tịch UBND TP nói.
Liên quan đến bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội, trên cơ sở đề xuất của chủ tịch huyện Mê Linh, chủ tịch xã Mê Linh và ý kiến của liên ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ủy quyền cho chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định phong tỏa thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, bao gồm 2.937 hộ gia đình với 10.872 nhân khẩu. Xã Mê Linh, huyện Mê Linh phải tổ chức lực lượng y tế, công an, dân quân phong tỏa toàn bộ theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hà Nội. Các trường hợp F1, F2 phải được khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Các hộ khác ở xa, chưa có tiếp xúc gì, cho phép một người ra chốt để nhận thực phẩm cho các gia đình. Đồng thời, tuyên truyền để người dân yên tâm thực hiện 14 ngày cách ly. |