Sáng 6-10, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 10 (TP.HCM). Tham nhũng và oan sai là hai vấn đề được người dân quận này quan tâm nhiều.
Phấn đấu hết sức để chống oan sai
Cử tri Trần Úc cho rằng người thi hành công vụ đã gây ra oan sai thì phải dùng tài sản của mình để bồi thường, không thể bắt Nhà nước phải chi ngân sách bồi thường như hiện nay vì đây là tiền thuế do người dân đóng góp.
Trả lời cử tri, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng xử lý oan sai là một nỗi đau và bức xúc của xã hội. Luật pháp yêu cầu không được để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Nếu không muốn oan sai thì phải thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát. Hiện nay trách nhiệm rất lớn thuộc về ngành kiểm sát. “Chúng tôi phấn đấu hết sức để chống oan sai” - ông Trí cho hay.
Đối với băn khoăn của cử tri về việc cán bộ làm oan sai lấy tiền ngân sách để bồi thường, ông Trí cho biết ở một số nước người ta không lấy tiền ngân sách do dân đóng góp để bồi thường mà lấy tiền từ các khoản xử phạt vi phạm. “Còn ở mình nói cán bộ làm oan sai phải bồi thường. Nhưng cũng có ông không có tiền, bắt ông bồi thường thì ông cũng chỉ có vào tù thôi. Thời gian qua cũng có nhiều cán bộ vi phạm do việc làm oan sai phải vào tù chứ không phải là không có chế tài” - ông Trí nói và giải thích cho cử tri biết về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Ngoài ra còn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ông Trí cho rằng thời gian sắp tới sẽ có những vụ oan sai mà chính những người đang thực hiện vụ này phải trả giá, trong đó không chỉ là xử lý trách nhiệm hành chính mà còn là xử lý hình sự phạt tù đối với hành vi sai phạm. “Hiện nay luật đang tạo áp lực rất lớn đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật chứ không phải anh cứ tự tung tự tác, muốn xử người mà không xử mình đâu” - ông Trí nói.
Ông Trí thông tin thêm, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm các hoạt động tư pháp. Hiện nay trung bình một năm chúng ta khởi tố và xử lý khoảng 50-70 vụ vi phạm pháp luật của các cơ quan thi hành pháp luật. “Oan sai dù là một trường hợp cũng không thể chấp nhận được. Nhưng trong bộ máy xã hội rộng lớn thì ở các khâu, các lĩnh vực đều có những sai sót. Chúng ta không bao che mà phải xử lý nghiêm khi phát hiện” - ông Trí khẳng định.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí: “Chúng tôi đang phấn đấu hết sức để chống oan sai”. Ảnh: TÁ LÂM
Nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều gay gắt
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Gia Tâm cho rằng BLHS có quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên với tội tham nhũng, ông Tâm cho rằng nếu áp dụng như vậy là bất hợp lý, gây nên bức xúc cho người dân.
Theo đó, tham ô, tham nhũng là tội nặng hàng đầu liên quan đến nhiều thủ đoạn nguy hiểm, gây tác động rất lớn đến nền kinh tế, đời sống người dân và ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước. “Người cán bộ được đào tạo, gánh trọng trách nhưng lại tham nhũng mà dám đứng trước tòa xin tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ tội vì cha mẹ, gia đình có nhiều cống hiến cho cách mạng... thì rất ngược ngạo. Chính cha mẹ bị cáo đó sẽ tức giận, thậm chí có thể phản ứng lại rằng không được áp dụng các quy định về giảm nhẹ tội mà còn phải áp dụng quy định về tăng nặng trách nhiệm hình sự” - ông Tâm nói.
Cử tri Tâm cũng liên hệ việc này với vụ án ông Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). “Ông Thanh đã phạm tội, trốn ra nước ngoài và có cha mẹ tham gia cách mạng, khi bắt được đưa ra xét xử liệu có được đưa vào diện có tình tiết giảm nhẹ hay không?” - ông Tâm thắc mắc.
Trả lời, ông Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến và sẽ nêu ý kiến của cử tri trong các cuộc thảo luận trên nghị trường Quốc hội. Theo ông Trí, hiện nay BLHS 2015 đang được tạm hoãn hiệu lực thi hành để sửa đổi (ngoại trừ các điều có lợi cho bị can, bị cáo - PV). “Quan điểm là có công thì thưởng, có tội thì trừng trị. Tuy nhiên, lấy cái công trừ đi cái tội lại khiến nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều gay gắt. Qua kiến nghị của ông Tâm, chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc để phản ánh lại” - ông Trí nói.