Cứ 5 giờ sáng, ông Nguyễn Hoàng Vũ (bảo vệ dân phố khu phố 8, phường 5, quận Gò Vấp) đã thức dậy, chế ấm trà nóng, khoác lên mình bộ đồ cũ thường ngày rồi xách túi nylon và cầm cây gậy có gắn nam châm để lượm nắp chai đi ra khỏi nhà. Ông Vũ hồ hởi: “Lượm ve chai đâu có cực gì đâu, y hệt tập thể dục đấy mà, vừa có thêm tiền mua gạo tặng bà con, vừa khỏe hẳn ra”.
Mỗi ngày, người bảo vệ dân phố ấy đều dành chút thời gian trước ca trực 7 giờ sáng để lượm ve chai, lấy tiền mua gạo cho bà con nghèo. Mới đây, vào ngày 30-4, khi cả nước đang kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì bà con khu phố 8 cũng đang vui mừng vì nhận được gạo của ông Vũ.
“Năm nay, tôi lượm ve chai chuyên nghiệp hơn rồi, nên thu được 4 triệu đồng” - ông Vũ khoe. Số tiền đó ông tặng xe đạp cho một em học sinh và 30 phần gạo cho bà con, mỗi phần được 10 ký. Năm trước tiền ve chai ông dành dụm được 2 triệu đồng nên chỉ tặng được 20 phần gạo.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ (phải) trong lễ trao quà cho người nghèo nhân dịp lễ 30-4. Ảnh: LÊ THOA
Ông Vũ vui mừng bên thành quả mỗi sáng. Ảnh: LÊ THOA
Sở dĩ ông chọn tặng gạo cho bà con mà không phải quà bánh gì khác bởi chính những gánh gạo từ thiện đã nuôi sống gia đình ông trong những ngày khó khăn ở quê nhà. Chẳng cần sơn hào hải vị, cá thịt đủ đầy mâm cơm, chỉ cần có chén cơm trắng chan với chút nước tương thì vẫn có thể sống được. Quà cáp sang quý gì thì cũng đâu thể bằng những hạt gạo tinh thơm cho những lúc đói lòng.
Hai năm qua kể từ ngày rời Chi Lăng, Tịnh Biên, An Giang lên sống cùng bà con khu phố 8, người cựu chiến binh từng chết hụt nhiều lần ở chiến trường Campuchia đã dành trọn tình cảm cho bà con nghèo.
Cụ Cao Thị Tám, 78 tuổi là bà cụ lượm ve chai thường xuyên được ông Vũ san sẻ ve chai và gửi dăm ba chục ngàn để cụ ăn sáng. Cụ Tám kể: “Chú Vũ rất tử tế với bà con chúng tôi, mỗi lần thấy tôi đi lượm ve chai, chú Vũ đều chia bớt phần ve chai của chú cho tôi; bây giờ tôi bệnh nên không còn lượm ve chai được thì chú Vũ lại cho tiền, cho gạo. Tôi chỉ ước sao cho chú Vũ khỏe mạnh, lượm được nhiều ve chai để chúng tôi có thêm gạo mà ăn”.
Tình cảm giữa người với người đâu thể đong đếm bằng đôi ba chục ký gạo, hay nảy sinh nhờ đôi ba chục ký gạo đó. Điều cốt yếu chính là mỗi người đều biết san sẻ, chia sớt miếng ăn cho nhau khi bản thân mình vẫn còn chưa no đủ, chẳng cần cảm ơn, chẳng cần quà đáp. Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười nghĩa tình khi chạm mặt nhau là đã đủ sướng lòng.