Ông Blinken từ chối nhắc phương án Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì COVID-19

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ chối trả lời câu hỏi về các biện pháp mà chính quyền Washington có thể dùng để gây sức ép buộc Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, tờ South China Morning Post đưa tin.

Trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 7-6, ông Blinken đã không nêu rõ các kế hoạch mà Nhà Trắng dự tính trước cho trường hợp Trung Quốc không chịu minh bạch thông tin hay thiếu hợp tác trong cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.

Thay vì nói về sự chuẩn bị của Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh sự tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng sức ép để “các nước, bao gồm Trung Quốc, chịu trách nhiệm” trong vấn đề minh bạch và các phép các nước khác cùng tiếp cận thông tin về các vấn đề y tế toàn cầu, trong đó có COVID-19. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AXIOS

Trước đó, ông Blinken đã trả lời câu hỏi tương tự trong một buổi phỏng vấn do trang tin Axios thực hiện, chiếu trên kênh HBO hôm 6-6. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ nhận được câu hỏi đại ý nếu Trung Quốc từ chối cho phép các chuyên gia quốc tế tiếp cận, điều tra tại các phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) thì Mỹ có chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt hay không.

Nói với Axios, Ngoại trưởng Mỹ nhắc tới việc dịch COVID-19 đang tái bùng phát ở Trung Quốc và cho rằng hợp tác trong nỗ lực quốc tế điều tra nguồn gốc đại dịch có thể mang lại lợi ích cho công tác chống dịch của chính quyền Bắc Kinh.

Ông Blinken nói tiếp rằng Trung Quốc “có thể cũng có lợi ích” trong việc cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn các dịch bệnh tương tự có thể xảy ra trong tương lai, nhất là khi nước này muốn trở thành “một chủ thể quốc tế có trách nhiệm”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức một chuyến điều tra tại Vũ Hán - nơi phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới - và công bố báo cáo điều tra giai đoạn một về nguồn gốc đại dịch.

WHO không loại bỏ bất kỳ kịch bản nào liên quan tới nguồn gốc COVID-19 nhưng cho rằng xác suất đại dịch bùng phát do virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là rất thấp. Tuy nhiên, các chính trị gia và dư luận phương Tây vẫn nghi ngờ việc COVID-19 là thảm họa do các nhà khoa học Trung Quốc gây ra.

Phía Mỹ cho rằng báo cáo điều tra WHO công bố hồi tháng 3 “không đủ và không có kết luận”. Washington và nhiều nước đồng minh, cùng không ít chuyên gia y tế thế giới, đang thúc giục WHO tiếp tục điều tra về đại dịch và đòi hỏi sự hợp tác của phía Trung Quốc. WHO chưa xác định thời gian các chuyên gia quốc tế sẽ trở lại Trung Quốc để tiếp tục nỗ lực điều tra.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cáo buộc Mỹ không thực sự quan tâm tới nguồn gốc COVID-19 mà chỉ cố gắng “thao túng chính trị” khi gây sức ép lên Trung Quốc. Bắc Kinh cũng lặp lại tuyên bố về sự ủng hộ đối với “một cuộc nghiên cứu toàn diện”, bao gồm việc điều tra “các cơ sở bí mật và các phòng thí nghiệm sinh học khắp thế giới” chứ không chỉ ở Trung Quốc. 

Trả lời phỏng vấn của đài CBS News, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush) cho rằng giới chức y tế Mỹ đã “mắc sai lầm” trong thời gian dịch COVID-19 mới bùng phát khi bỏ qua khả năng virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Bà Rice gọi cách suy luận virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người là một “thuyết âm mưu” và cho rằng truyền thông có phần trách nhiệm trong “sai lầm” này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm