Tỉ phú 33 tuổi Mark Zuckerberg đã có phiên điều trần kéo dài gần năm tiếng đồng hồ với Thượng viện Mỹ. Phiên điều trần được tổ chức sau khi nổ ra bê bối Cambridge Analytica. Theo thừa nhận của Facebook, thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng đã bị khai thác mà không có sự cho phép.
Lo sợ về “ác mộng” quyền riêng tư
Bị chất vấn bởi 44 thượng nghị sĩ của hai ủy ban chuyên trách về thương mại và pháp lý, Zuckerberg phải nhiều lần xin lỗi về hàng loạt rắc rối liên quan đến Facebook thời gian qua, từ bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân người dùng đến việc các nhân tố Nga sử dụng Facebook để tác động lên kỳ bầu cử năm 2016 của Mỹ.
Những nhà lập pháp tại đồi Capitol liên tục đưa ra các cảnh cáo nặng ký cho Zuckerberg. Thượng nghị sĩ Bill Nelson nhấn mạnh: “Tôi xin được nói thẳng. Nếu như anh và những công ty truyền thông xã hội khác không thể chấn chỉnh được tình trạng hiện nay, sẽ không một ai còn quyền riêng tư cá nhân nữa. Nếu Facebook và các công ty mạng không muốn hoặc không thể giải quyết vấn đề xâm phạm đời tư, vậy thì chính Quốc hội sẽ giải quyết nó”.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cũng chỉ trích việc Facebook không trình báo về vụ rò rỉ thông tin người dùng cho Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), theo đúng thỏa thuận hai bên ký kết năm 2011. “Qua những gì anh trình bày hôm nay, tôi không nhìn thấy khả năng công ty anh thay đổi mô hình kinh doanh trừ phi có những luật lệ cụ thể được đưa ra để điều chỉnh. Mô hình kinh doanh của anh giờ là tối đa hóa lợi nhuận dựa trên đời tư của người khác” - ông Blumenthal cho biết.
Thượng nghị sĩ John Thune, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ, cũng bày tỏ nỗi lo ngại về các rắc rối của Facebook. Ông ghi nhận sự thành công trong mô hình kinh doanh đổi dịch vụ miễn phí lấy thông tin cá nhân của công ty này, song nhắc nhở rằng: “Mô hình này chỉ có thể được duy trì nếu như cả hai phía hiểu rõ những điều đánh đổi. Tôi không tin rằng người dùng Facebook có đủ thông tin cần thiết để quyết định”.
Ông Thune cũng cảnh báo về tác động tiêu cực trong vụ bê bối của Facebook đối với hình ảnh chung của nước Mỹ. “Anh Zuckerberg, bằng cách này hay cách khác, cá nhân anh và công ty mà anh lập nên, câu chuyện thần kỳ mà anh viết nên đang đại diện cho giấc mơ Mỹ. Cùng với nó anh có trách nhiệm phải đảm bảo giấc mơ này không trở thành một cơn ác mộng về đời tư cho vô số người dùng của Facebook” - ông Thune chia sẻ.
Mark Zuckerberg trước sức ép từ chính phủ Mỹ trong việc quản lý trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ảnh: REUTERS
Người biểu tình đặt hàng loạt hình nộm của Zuckerberg kèm dòng chữ “Hãy sửa lại Facebook” trước tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: REUTERS
Sức ép điều tra Nga can thiệp bầu cử
Ông chủ của Facebook cũng tuyên bố việc ngăn chặn các vụ can thiệp vào những cuộc bầu cử trong năm 2018 sẽ được đặt làm ưu tiên hàng đầu. “Điều quan trọng nhất đối với tôi hiện nay là đảm bảo không ai có thể can thiệp vào hàng loạt cuộc bầu cử trên toàn thế giới trong năm 2018” - Zuckerberg trả lời chất vấn.
Thượng nghị sĩ Tom Udall, bang New Mexico trước đó đặt câu hỏi liệu Facebook có thể đảm bảo chấm dứt tình trạng các “nhân tố Nga” tác động vào những kỳ bầu cử tại Mỹ và trên thế giới như những gì đã diễn ra trong năm 2016 hay không. “Thưa ngài nghị sĩ, câu trả lời là không. Tôi không thể đảm bảo được điều này vì hiện nay chúng ta đang đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang. Chừng nào còn có người tại Nga được giao công việc thử nghiệm và can thiệp vào các cuộc bầu cử trên thế giới thì xung đột này sẽ còn tiếp diễn” - Mark Zuckerberg trả lời.
Trong thời gian đầu của phiên điều trần, Zuckerberg thừa nhận “một trong những tiếc nuối lớn nhất” của anh trong điều hành là đã chậm chạp trong việc phát hiện và ngăn cản những chiến dịch bóp méo thông tin của các nhân tố từ Nga trong kỳ bầu cử năm 2016. Hồi tháng 9-2017, Facebook cho biết từng phát hiện người dùng tại Nga, có mối liên hệ với Cơ quan nghiên cứu mạng của Nga, đã sử dụng tên giả để tác động đến cử tri Mỹ trong giai đoạn trước và sau cuộc bầu cử năm 2016 bằng những cách thức như đăng tải các thông tin gây kích động, tổ chức các sự kiện và mua quảng cáo trên Facebook. Trả lời tại Thượng viện Mỹ ngày 10-4, Zuckerberg nói có khả năng những hoạt động truyền thông chính trị này có liên quan đến vụ bê bối Cambridge Analytica. Anh cũng xác nhận thông tin nhiều lãnh đạo Facebook đã được các điều tra viên của công tố viên đặc biệt Robert Mueller mời phỏng vấn. Ông cũng thừa nhận khả năng được đội điều tra của ông Mueller mời điều trần trong tương lai.
Tình thế “ngàn tỉ” treo sợi tóc
Không chỉ có khả năng bị lôi vào cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Mark Zuckerberg cũng đứng trước rủi ro thu hẹp quyền lèo lái Facebook theo mong muốn của riêng mình. Lindsey Graham, thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa, đã đặt vấn đề về tính “độc quyền” của Facebook hiện nay và nhu cầu đặt mạng xã hội hơn 1 tỉ người dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ. Thượng nghị sĩ John Cornyn thì mở ra khả năng Facebook nên được điều chỉnh bằng những tiêu chuẩn pháp lý tương tự như các công ty truyền thông khác của Mỹ, hãng tin Reuters cho biết.
Mark Zuckerberg sẽ không có nhiều sự lựa chọn ngoài nhượng bộ và để cho chính phủ Mỹ tăng cường mức độ giám sát. Theo đánh giá của tờ The Washington Post, treo lơ lửng trên đầu Facebook có thể là mức phạt vô tiền khoáng hậu. William Kovacic, cựu Chủ tịch FTC, từng nói nửa đùa nửa thật rằng mức phạt tối đa dành cho Facebook có thể “nhiều hơn tổng số tiền trên cả hành tinh”. Về lý thuyết, khi FTC chứng minh được Facebook vi phạm thỏa thuận năm 2011 về bảo vệ dữ liệu đời tư người dùng, cơ quan này có thể đưa ra số tiền phạt lên đến hàng ngàn tỉ USD nếu tính gộp cả thời gian sai phạm của Facebook diễn ra và tổng số người dùng tại Mỹ chịu ảnh hưởng. David Vladeck, cựu lãnh đạo bộ phận bảo vệ khách hàng của FTC, đưa ra con số dự đoán “thực tế” hơn là gần 1 tỉ USD. Đó vẫn sẽ là mức phạt kỷ lục trong lịch sử hoạt động của FTC trong lĩnh vực quyền riêng tư của người dùng.
Các cựu quan chức FTC cho rằng chính phủ Mỹ sẽ không ra tay phạt nặng đến vậy vì đương nhiên không muốn Facebook phá sản. Tuy nhiên, đây sẽ là đòn bẩy đàm phán nặng ký để FTC buộc Facebook nhượng bộ, thay đổi chính sách thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng. Những thay đổi này có thể khiến lợi nhuận tương lai của Facebook sụt giảm đáng kể.
“Lần đầu” cho Mark Zuckerberg Tờ The Guardian nhận định buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ là một thời khắc khiêm tốn và mới lạ của nhà khởi nghiệp công nghệ Mark Zuckerberg. Trong những giây phút đầu của phiên chất vấn, bao vây bởi một rừng máy chụp ảnh của các báo đài, Zuckerberg nhìn “giống một phạm nhân” hơn là một người đã đạt tới đỉnh cao thành công, hãng tin Reuters nhận định. Thế nhưng sự tự tin của ông chủ Facebook có vẻ tăng lên theo từng câu hỏi. Trang Reuters mô tả Zuckerberg dần tỏ ra cởi mở và hợp tác hơn với các thượng nghị sĩ. Cuối cùng thì nhà khởi nghiệp 33 tuổi đã không bị áp đảo tại thượng viện như nhiều người dự đoán. Màn ra mắt của Zuckerberg tại đồi Capitol có thể nói là thành công khi giá trị cổ phiếu của Facebook cuối phiên giao dịch ngày 10-4 bất ngờ tăng được 4,5%. Mark Zuckerberg có phiên điều trần tiếp theo với Hạ viện Mỹ vào 10 giờ sáng ngày 11-4 (theo giờ Mỹ). Chất vấn ông sẽ là 55 hạ nghị sĩ. |